Xuất khẩu sắn dự báo giảm do nhu cầu của Trung Quốc yếu
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, tháng 9, cả nước xuất khẩu được khoảng 200 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 80 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 33,9% về trị giá so với tháng 8; so với tháng 9/2019 tăng 3,7% về lượng và tăng 4,5% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 0,2% so với tháng 9/2019, lên mức 400 USD/ tấn.
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2 triệu tấn, trị giá 685 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 1,7% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn trong tháng tới sẽ trầm lắng do nhu cầu mua từ phía Trung Quốc yếu, giá xuất khẩu ít khả năng tăng như các tháng trước khi các nhà máy vào vụ mới, khiến nguồn cung tăng lên.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 1,26 triệu tấn, trị giá 497 triệu USD, giảm 2% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với cùng kì năm 2019, chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Malaysia và Philippines.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 93,5% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, đạt 1,18 triệu tấn, trị giá 462,43 triệu USD, giảm 0,8% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn lát khô đạt 461,07 nghìn tấn, trị giá 105,84 triệu USD, tăng 112,8% về lượng và tăng 106% về trị giá so với cùng kì năm 2019. Sắn lát khô được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia.
Trong đó, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 83% tổng lượng sắn lát xuất khẩu với 382,83 nghìn tấn, trị giá 84,47 triệu USD, tăng 185% về lượng và tăng 194,7% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Giá cồn sản xuất từ ngô và sắn tại Trung Quốc giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu. Trong khi nguồn cung ngô từ thị trường nội địa lẫn nhập khẩu dồi dào khiến nhập khẩu sắn của Trung Quốc giảm.