Xử lý ngân hàng yếu kém và ngân sách nhà nước
Trong lần góp ý mới nhất đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều yêu cầu phải thống nhất nguyên tắc không sử dụng đến nguồn lực ngân sách trong tái cơ cấu ngân hàng. Ảnh: THÀNH HOA |
Trong lần góp ý mới nhất đối với dự luật này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều yêu cầu phải thống nhất nguyên tắc không sử dụng đến nguồn lực ngân sách trong tái cơ cấu ngân hàng.
Nghĩ lại chuyện ngân hàng 0 đồng
Cuối năm 2015, khi giải thích về việc mua các ngân hàng với giá 0 đồng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã báo cáo Quốc hội rằng biện pháp NHNN mua lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng “không sử dụng tiền của ngân sách nhà nước; không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước”. Thế nhưng, chuyện mua ngân hàng 0 đồng có ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước hay không cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận. Mặc dù nói NHNN không mất tiền mua ba ngân hàng yếu kém bởi giá mua là 0 đồng, nhưng trên thực tế, tổng giá trị thực của các ngân hàng này khi được mua lại là âm hàng chục ngàn tỉ đồng. Nghĩa là mặc dù Nhà nước không phải bỏ tiền ra mua nhưng phải gánh nghĩa vụ trả nợ cho người gửi tiền, trong khi tiền đã cho vay thì gần như không thu hồi được (tổng nợ xấu có khả năng mất vốn của ba ngân hàng này đến cuối tháng 7-2015 chiếm hơn 91% tổng dư nợ(1)). Như vậy, nói mua ngân hàng 0 đồng không ảnh hưởng đến ngân sách hay kinh tế nhà nước e là khó thuyết phục.
Cũng có thể ai đó cho rằng mặc dù thuộc sở hữu 100% vốn nhà nước nhưng các ngân hàng này đều hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, nên nếu vài năm nữa không phục hồi thì vẫn có thể cho phá sản, và Nhà nước sẽ không tốn thêm đồng nào. Nhưng lập luận đó quá đơn giản, bởi nếu có thể phá sản ngân hàng dễ dàng thì đã không có chuyện mua lại 0 đồng, huống hồ các ngân hàng này giờ đã mang danh ngân hàng quốc doanh.
Còn một vấn đề khác liên quan đến vốn của các ngân hàng 0 đồng. Ba ngân hàng này đã bị mua lại 0 đồng sau khi cổ đông không thể tăng vốn để đáp ứng mức vốn pháp định. Do đó, về lý thuyết, NHNN (chủ sở hữu duy nhất sau khi mua lại 0 đồng) cũng phải bổ sung vốn để đảm bảo vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này không thấp hơn 3.000 tỉ đồng. Số tiền ấy (nếu có) là tiền của ngân sách. Còn nếu NHNN không bổ sung vốn mà cho phép các ngân hàng này hoạt động bình thường thì có phải NHNN đã làm sai luật?
Đến các biện pháp hỗ trợ ngân hàng yếu kém sắp được luật hóa
“Mua ngân hàng 0 đồng”, giải pháp “sáng tạo” của ngành ngân hàng Việt Nam, nhiều khả năng sẽ trở thành một thuật ngữ quá khứ. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD đã không còn đề cập đến việc mua lại 0 đồng mà chỉ nói đến bốn phương án khác trong tái cơ cấu ngân hàng yếu kém (phương án phục hồi, phương án giải thể, phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản).
Nếu tiếp tục hoạt động với phương án phục hồi hoặc phương án chuyển giao bắt buộc, ngân hàng yếu kém sẽ được áp dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ. Trong đó, đáng chú ý là ngân hàng yếu kém có thể được “vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0%”, đồng thời, “được mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do TCTD hỗ trợ nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn”. Ngoài ra, TCTD hỗ trợ cũng được “vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0%” nhằm bù đắp thu nhập bị giảm và chi phí phát sinh trong quá trình hỗ trợ ngân hàng yếu kém.
Đây là những ưu đãi rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngân hàng yếu kém. Nói nôm na, các ngân hàng này được dọn sẵn đầu ra (dư nợ cho vay) và cả đầu vào (nguồn vốn giá 0%), chỉ việc hoàn thiện hồ sơ và thu lợi nhuận. Dòng tiền trong quá trình này rốt cuộc cũng từ NHNN chảy ra. Nhưng thực chất tiền này có nguồn gốc từ đâu, dự thảo luật không nêu rõ. Nếu là tiền từ ngân sách thì NHNN sẽ vi phạm nguyên tắc mà Quốc hội đề ra. Còn nếu dòng tiền này khiến cung tiền tăng lên thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, tỷ giá nhưng không phải theo mục tiêu điều hành thị trường tiền tệ thông thường. Khi đó, cả nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng, chỉ có ngân hàng yếu kém được lợi mà thôi.
Ở một góc nhìn khác, thay vì cho các ngân hàng yếu kém vay với lãi suất ưu đãi 0%, số tiền ấy nếu được đầu tư vào các địa chỉ có hiệu quả, cho doanh nghiệp khác vay với lãi suất cao hơn thì nguồn thu cho ngân sách sẽ khác. Như vậy, liệu có thể khẳng định các biện pháp hỗ trợ ngân hàng yếu kém không dùng đến nguồn lực ngân sách và không ảnh hưởng đến ngân sách hay không?
Tạm gác lại những tranh luận về tính hợp lý nếu sử dụng ngân sách để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu, nhìn vào thực tế các ngân hàng 0 đồng và quan điểm của NHNN thể hiện qua dự thảo luật nêu trên, có thể thấy sự mâu thuẫn với nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Việc sử dụng ngân sách để tái cấu trúc ngân hàng không phải là chuyện hiếm trên thế giới (điển hình là vụ Mỹ quốc hữu hóa AIG). Nếu đã quyết định, sao không thẳng thắn nói lên quan điểm là không dùng tiền ngân sách thì không thể giải quyết vấn đề? Sao cứ phải lẩn tránh bằng các khái niệm na ná nhau như “ngân sách” và “nguồn lực ngân sách”, như “dùng ngân sách trực tiếp” và “dùng ngân sách gián tiếp”? Người dân luôn lo sợ Chính phủ sử dụng tiền thuế do mình đóng góp một cách không hiệu quả, nhưng sự mập mờ trong mục đích sử dụng còn đáng sợ hơn.
(1) Tái cơ cấu ngân hàng thương mại ở Việt Nam giai đoạn (2012-2016) từ khía cạnh xử lý các ngân hàng yếu kém (PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, TS. Nguyễn Thị Nhung) - Tạp chí Ngân hàng - Số 7-2017. https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tcnh/tcnh_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV288014&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_