Xóa trắng nhà ven kênh chưa hẳn hiệu quả
“Theo tôi, khi lên kế hoạch giải tỏa nhà ven và trên kênh, TP phải nghiên cứu thật kỹ hiện trạng, khu vực nào nên giải tỏa trắng, khu vực nào nên giải tỏa kết hợp với cải tạo, khu vực nào giữ lại và bảo tồn, nâng cấp”.
TSKH-kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn đã nhấn mạnh như trên quanh vấn đề “Giải tỏa nhà trên kênh rạch: Có cần giải tỏa trắng?” mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh ngày 29-11.
Mất đi bản sắc, giá trị
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, lâu nay việc cải tạo, giải tỏa kênh rạch của TP là khá máy móc. Nghĩa là buộc phải giải tỏa hết vài chục thước để làm con đường, trồng cây xanh hai bên… Tuy có khang trang hơn nhưng không hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, đôi khi còn phá bỏ đi những công trình có bản sắc văn hóa có thể giữ lại.
Nhà ven kênh rạch nhìn từ cầu Nguyễn Văn Cừ , TP.HCM. Ảnh: HTD |
“Chúng ta cần rút kinh nghiệm việc TP đã từng giải tỏa trắng khu vực bến Bình Đông khi làm đại lộ Võ Văn Kiệt. Đây là điều rất đáng tiếc. Nếu lúc đó giải tỏa mà cân nhắc phát triển gắn liền bảo tồn thì một phần khá lớn của bến Bình Đông mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Nam Bộ vẫn có thể giữ lại, tạo nên khu đô thị lịch sử có giá trị của TP” - KTS Sơn nói.
Ông nhấn mạnh: “Cho dù nói là nhà ổ chuột, nhà trên kênh rạch hay nhà cũ nhưng nó vẫn có những khu có giá trị chứ không phải đáng bỏ đi hết”.
Kêu gọi xã hội hóa
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định khi giải tỏa nhà ven kênh rạch, không thể tiếp tục xem đó chỉ là dự án môi trường hay dự án cải tạo hạ tầng. Chúng ta phải xem đó là dự án chỉnh trang đô thị, trong đó bao gồm cả việc cải tạo môi trường, cải tạo hạ tầng, cũng như việc xây dựng khu phố mới, bảo tồn khu phố cũ. Qua đó sẽ giải quyết được tình hình khó khăn ngân sách, kêu gọi được nguồn vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Mặt khác, nếu giải tỏa trắng, thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài, có thể từ 20 năm như trường hợp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoặc có thể lên đến 40 năm nếu chỉ dựa vào ngân sách công.
“TP nên đưa ra một số tiêu chí và để cho các nhà tư vấn, đầu tư đề xuất, làm sao trước nhất là giải quyết vấn đề hạ tầng, môi trường cho TP, nâng cao đời sống của người dân. Thứ hai là cố gắng sử dụng nguồn vốn xã hội hóa càng nhiều càng tốt. Điều này không chỉ bớt gánh nặng ngân sách mà còn đóng góp cho ngân sách nữa”- ông Sơn kiến nghị.
Cũng không thể chấp nhận việc quá nhếch nhác Muốn giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch mà đảm bảo sạch sẽ và giữ lại những nét riêng thì kinh nghiệm thế giới thường phải kết hợp nhiều phía. Ngoài sự tham gia của người KTS, cơ quan quy hoạch - kiến trúc còn phải có sự xem xét của người làm kinh tế, làm xã hội học… để có cái nhìn thấu đáo, có những giải pháp toàn diện. Chúng ta đừng vội vã thực hiện mà phải có điều tra, lên số liệu, giải pháp, hỏi ý kiến nhiều người. Đừng để quy hoạch là từ trên áp đặt xuống dưới. Còn việc muốn giữ lại cảnh quan cũ, chúng ta phải khéo léo, làm sao để nó đẹp hơn, ngăn nắp hơn, giữ lại cái tinh thần, cái hồn của nó chứ không phải là giữ lại nhà ổ chuột. Chỗ nào đang có bến thuyền hay chợ hoa thì biến nó thành chợ hoa mới sạch sẽ… Ở kênh Đôi, quận 8, TP chủ trương giải tỏa trắng cũng có cái lý nhưng mà làm sao giải tỏa trắng xong rồi, những nhà mới mọc lên bằng bê tông có thể mang nét sông nước. Đừng làm cho nó lại trở nên quá tệ, quá nhếch nhác. Nhếch nhác quá thì phải giải tỏa chứ làm sao để lại được. KTS NGUYỄN HỮU THÁI Đừng cứng nhắc áp dụng hành lang ven sông Quyết định 150/2004 của UBND TP.HCM về quản lý hành lang sông, rạch vẫn rất cần thiết cho việc quy hoạch khu đô thị mới nhưng trong công tác cải tạo đô thị cũ nên áp dụng linh động. Có nơi nên tạo hành lang ven sông, đảm bảo thông thoáng về mặt giao thông, không gian đô thị nhưng một số khu vực có giá trị đặc biệt thì nên có sự ngoại lệ cho việc giữ nguyên hiện trạng. Vẫn có thể cho phép những ngôi nhà gần sát kênh miễn đảm bảo được vấn đề môi trường. TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN |