Xoá 'khu ổ chuột' ven kênh rạch: Học từ Singapore
Cải tạo thành tuyến du lịch
Theo số liệu thống kê, TPHCM hiện có khoảng 22.000 căn nhà ở ven kênh rạch. Hầu hết nhà xây dựng trên kênh rạch đều không hợp pháp, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Những căn nhà loại này đều thiếu tiện nghi căn bản.
Thậm chí, nhiều hộ không có đồng hồ điện riêng phải câu nhờ nguồn điện từ nhà khác, thiếu nhà vệ sinh. Nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống rạch làm mức độ ô nhiễm ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, việc lấn chiếm kênh rạch sẽ làm thu hẹp lòng sông gây ngập úng, không đảm bảo điều kiện sống, sinh hoạt cho người dân trong khu vực.
Chính sự xuống cấp của những "khu ổ chuột" đang góp phần làm xấu đi bộ mặt của đô thị được xếp vào hạng có chất lượng cuộc sống tốt nhất nước. Trước đòi hỏi cấp thiết như trên, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ 10, TPHCM đã đưa chỉnh trang đô thị là một trong 7 chương trình đột phá đến năm 2020 của thành phố. Thế nhưng, khi nguồn ngân sách được giữ lại của TPHCM bị giảm từ 23% xuống còn 18%, nhiều chuyên gia kinh tế, kiến trúc lo ngại sẽ "phá sản" chương trình xóa các "khu ổ chuột" của thành phố.
Tại hội thảo “Nhà ở trên kênh rạch TPHCM, thực trạng và giải pháp” do Hội kiến trúc sư TPHCM tổ chức đã đưa ra nhiều phương án nhằm từng bước xóa các "khu ổ chuột", làm đẹp bộ mặt "Hòn ngọc Viễn Đông". Một số chuyên gia cho rằng, vẫn có nhiều giải pháp không tốn nhiều ngân sách mà vẫn xóa được "khu ổ chuột" như biến kênh rạch thành tuyến du lịch, kêu gọi doanh nghiệp, tư nhân góp vốn đầu tư...
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nhiều nơi trên thế giới cải tạo kênh rạch bằng cách khai thác du lịch và giữ lại những nét cũ làm đặc trưng riêng.
Nếu với cơ chế thoáng để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, có sự tham gia của các tập đoàn đầu tư ngay từ bước lập kế hoạch, ranh giới thiết kế mở rộng không chỉ các công trình hai bên ven kênh mà nên mở sang các tuyến đường nằm trong khoảng cách đi bộ.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nhiều nơi trên thế giới cải tạo kênh rạch bằng cách khai thác du lịch và giữ lại những nét cũ làm đặc trưng riêng (Ảnh: Dân trí) |
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu biết cách phát triển hợp lý, các tuyến đường ven kênh rạch sẽ làm thay đổi bộ mặt quy hoạch kiến trúc của thành phố. Bên cạnh đó, việc này còn đóng góp vào ngân sách thông qua du lịch và mua bán. Ông Sơn khuyên TPHCM nên nhìn và học hỏi mô hình du lịch ven kênh của Singapore.
"Chúng ta có những kênh rạch rất phù hợp cho việc phát triển du lịch, đơn cử như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua đường Trường Sa, Hoàng Sa. Với địa thế hẹp và thoáng, nếu chúng ta quyết định cải tạo thành phố đi bộ, tôi nghĩ rằng ở khu vực này sẽ thu hút du khách còn hơn phố đi bộ Nguyễn Huệ", ông Sơn nói.
Tư nhân hóa việc chỉnh trang
GS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên gia cấp cao Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng nên xã hội hóa việc đầu tư, cải tạo kênh rạch. Tại một số đoạn kênh rạch có giá trị đất cao, nên đem ra đấu giá, cho nhà đầu tư bỏ vốn vào. Nếu biết kết hợp hình thức chung cư và chỉnh trang đô thị sẽ tiết kiệm rất lớn nguồn vốn từ ngân sách. Tuy nhiên, nếu muốn các doanh nghiệp tư nhân nhảy vào thì TPHCM phải "bật đèn xanh", bởi các dự án này thường không thu hút như cải tạo chung cư cũ.
“Chung cư cũ mà hô hào thì doanh nghiệp nhảy vào cải tạo ngay, còn kênh rạch thì doanh nghiệp chưa thấy lợi nhuận nên khó tiếp cận. Trong xu thế TPHCM đang bị cắt giảm ngân sách, việc xã hội hóa sẽ giúp thành phố bớt gánh nặng về kinh tế để giải quyết xóa các... khu ổ chuột”, KTS Hòa nói.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho hay, TPHCM có thể được xem là thành phố của dân nhập cư. Với số dân khoảng 13 triệu người nên việc chỉnh trang đô thị là đương nhiên. Thế nhưng, hầu như chương trình chỉnh trang đô thị của TPHCM từ trước đến giờ không có bóng dáng của doanh nghiệp tư nhân. "Việc xã hội hóa sẽ kích thích nhà đầu tư tham gia. Qua đó, bộ mặt của các khu ổ chuột sẽ đổi mới, giá nhà đất sẽ tăng cao hơn nhiều lần", ông Châu hiến kế.
Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, sẽ tìm mọi giải pháp tốt nhất để nâng cao nhu cầu sống cho người dân ven kênh. Trước hết, thành phố ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia để có hướng điều chỉnh, đưa ra những giải pháp tốt nhất thuận lợi cho việc cải tạo.