|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong cấp phép kinh doanh vận tải

06:54 | 27/08/2016
Chia sẻ
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải, mới đây Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 60/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư 63/2014.
xoa bo co che xin cho trong cap phep kinh doanh van tai

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải

PV: Xin ông cho biết những điểm mới của việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 60 thay thế bằng Thông tư 63?

Ông Trần Bảo Ngọc: Xuất phát từ thực tế những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT đã khẩn trương xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT ngày 02/11/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Điểm mới của Thông tư 60 là: Quy định về dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ; quy định về đơn vị tổ chức tập huấn cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và người điều hành vận tải; quy định về thời gian hoạt động của hộp đèn taxi; quy định về bổ sung phù hiệu “Xe đầu kéo”; quy định về thủ tục và quy trình đăng ký khai thác tuyến, trong đó nội dung trọng tâm là bỏ thủ tục chấp thuận tuyến; quy định về điều kiện kinh nghiệm để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng.

PV: Hiện nay, nhiều người băn khoăn về trách nhiệm quản lý sau khi bỏ chấp thuận tuyến, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Bảo Ngọc: Chấp thuận tuyến là một công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ được thực hiện từ năm 2005 tới nay. Bên cạnh những tác dụng của công cụ quản lý này cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, ví dụ như: Thủ tục hành chính rườm rà; doanh nghiệp phải chờ đợi lâu; thiếu công khai, minh bạch; thiếu bình đẳng trong trường hợp nhiều doanh nghiệp vận tải cùng có nhu cầu đăng ký hoạt động trên cùng 1 tuyến.

Vì vậy, việc xây dựng 1 phương thức quản lý mới đơn giản hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý nhà nước để thay thế cho thủ tục chấp thuận tuyến là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách.

PV: Vậy theo ông, việc loại bỏ thủ tục chấp thuận tuyến có kiểm soát được những tồn tại trên hay không?

Ông Trần Bảo Ngọc: Biện pháp thay thế để loại bỏ thủ tục chấp thuận tuyến được thực hiện như sau: Căn cứ vào Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, các sở GTVT có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy xe chi tiết trên trang thông tin điện tử của sở. Các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trên tuyến căn cứ vào Biểu đồ chạy xe nêu trên chủ động đăng ký với sở GTVT nơi đầu bến. Nếu chỉ có 01 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện thì doanh nghiệp đó được coi là đăng ký thành công và được làm thủ tục cấp phù hiệu cho xe hoạt động mà không cần phải chờ đợi sở GTVT có văn bản chấp thuận. Trong trường hợp có từ 02 doanh nghiệp trở lên cùng đăng ký trên 01 tuyến thì sở GTVT sẽ thực hiện quy trình lựa chọn theo quy định của Bộ GTVT.

xoa bo co che xin cho trong cap phep kinh doanh van tai

Hoạt động kinh doanh vận tải đang tồn tại nhiều bất cập, cần sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cơ quan chức năng

PV: Thực tế, cơ chế “xin - cho” đang cản trở hoạt động kinh doanh vận tải như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Bảo Ngọc: Cơ chế “xin - cho” là do tàn dư của nền kinh tế cũ để lại, mà cụ thể là nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp. Các suy nghĩ, cách làm vẫn ít nhiều còn chịu ảnh hưởng của nền kinh tế cũ. Vấn đề này hiện nay đã hạn chế được phần nhiều, nhưng không thể trong một thời gian ngắn có thể thay đổi hoàn toàn, từ cơ chế này đã nảy sinh không ít tiêu cực.

Trong lĩnh vực vận tải, việc tồn tại cơ chế “xin - cho” sẽ làm cản trở đến tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh vận tải, làm tăng chi phí vận tải, làm thị trường vận tải thiếu công khai, minh bạch, từ đó dẫn đến giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã và đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ GTVT đã và đang tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các thủ tục hành chính của doanh nghiệp như luật, nghị định, thông tư trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực vận tải; đổi mới và cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp nhận hồ sơ và kết quả trực tuyến; thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải để kịp thời nắm bắt, xử lý, giải quyết những bất cập, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Bảo Châu

Tạp chí Giao thông Vận tải

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...