Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ: Bị cáo từ chối luật sư bào chữa
Sáng nay (5/3), TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ và kháng cáo của các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. Các bị cáo chủ chốt trong vụ án đều không xuất hiện tại tòa. Ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa không kháng cáo bản án sơ thẩm và cũng không nằm trong diện kháng nghị của VKSND.
Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc bất ngờ từ chối luật sư bào chữa.
Mở đầu phiên tòa, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Vinh Quang làm chủ tọa tiến hành xét hỏi căn cước với các bị cáo. Sau đó, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang hỏi các bị cáo có ai từ chối luật sư không?Trong khi đó, hai "ông trùm" của đường dây đánh bạc nghìn tỷ là Phan Sào Nam (cựu giám đốc VTC online) và Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC) có đơn xin được xét xử vắng mặt.
Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc (phạm tội "Đánh bạc") giơ tay, xin HĐXX cho mình được từ chối luật sư Trần Văn Long, mặc dù luật sư Long đang có mặt ngay tại tòa. HĐXX hỏi luật sư Long có ý kiến gì về đề nghị của bị cáo Ngọc. Luật sư Long cho biết không có ý kiến gì về đề xuất của bị cáo.
Tiếp tục, HĐXX cho phép các bị cáo lên bục khai báo, cung cấp các tài liệu, chứng cứ bổ sung. Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Phó Giám đốc kỹ thuật Trung tâm thanh toán - Công ty CNC) cung cấp thêm hồ sơ bệnh án của mình và xin rút lại đơn kháng cáo.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Phó Giám đốc kỹ thuật Trung tâm thanh toán - Công ty CNC). |
Trong khi đó, các bị cáo Lê Anh Tú, Vũ Văn Dũng, Hoàng Thị Mai Phương cung cấp thêm bằng chứng về việc gia đình có công với Cách mạng; bị cáo Hà Văn Thắng cung cấp chứng từ nộp phạt, khắc phục hậu quả số tiền 50 triệu đồng; bị cáo Vũ Mạnh Hùng bổ sung thêm chứng từ nộp phạt 30 triệu đồng và giấy tờ chứng minh đã vận động, thuyết phục một “con bạc” khác ra đầu thú.
Phần lớn các bị cáo đều cung cấp các chứng cứ liên quan đến những tình tiết giảm nhẹ. Phát biểu tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cho biết việc 26 bị cáo có đơn xin xử vắng mặt (trong đó có Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương) là quyền của các bị cáo. Nhưng nếu trong quá trình xét xử có tình tiết phát sinh cần sự có mặt của các bị cáo này, tòa vẫn có thể yêu cầu triệu tập.