|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xét xử sơ thẩm vụ án liên quan CTCP bọc ống dầu khí Việt Nam

20:14 | 14/05/2019
Chia sẻ
Từ ngày 7 - 14/5, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trần Đức Minh cùng các đồng phạm tại Công ty Cổ phần bọc ống dầu khí Việt Nam.
Xét xử sơ thẩm vụ án liên quan CTCP bọc ống dầu khí Việt Nam - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Đức Minh và các đồng phạm tại Công ty Cổ phần bọc ống dầu khí Việt Nam tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn - TTXVN

Từ ngày 7 - 14/5, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trần Đức Minh cùng các đồng phạm tại Công ty Cổ phần bọc ống dầu khí Việt Nam (gọi tắt PVCoating, trụ sở Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về các tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự. Các bị cáo Trần Đức Minh cùng các đồng phạm thực hiện hành vi chiếm đoạt vật tư của PVCoating trị giá trên 48 tỷ đồng.

Vào thời điểm đó, PVCoating do Trần Đức Minh làm Giám đốc đại diện quản lý phần vốn góp Nhà nước (trên 50%), Phạm Ngọc Minh - Phó Giám đốc, Bùi Nhật Vinh - Trưởng Phòng Kinh tế kỹ thuật, Nguyễn Thị Hà Nhung - Trưởng phòng Tài chính kế toán, kiêm Kế toán trưởng, Nguyễn Công Chương - Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán; Kim Văn Anh, Nguyễn Phước Toàn là Giám đốc, Phó Giám đốc Nhà máy bọc ống thuộc PVCoating.

Ngày 1/9/2011, PVCoating được Tổng Công ty dầu khí Việt Nam (PVGas) chỉ định thầu đối với gói thầu bọc ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - Giai đoạn 1 (NCS2-GĐ1).

Trên cơ sở định mức của Viện Kinh tế kỹ thuật xây dựng, ngày 17/4/2014 Trần Đức Minh chính thức ký hợp đồng với chủ đầu tư với nội dung: PVCoating thực hiện việc bọc ống dẫn khí cho dự án Nam Côn Sơn giai đoạn 1 với đơn giá cố định, giá trị hợp đồng 1.046.769.226.000 đồng.

Trước đó, ngày 4/4/2014, Trần Đức Minh đã chỉ đạo Phòng Kinh tế kỹ thuật và Nhà máy bọc ống lập dự trù vật tư và cải tiến kỹ thuật cảm biến nhận biết mối hàn nhằm tiết kiệm vật tư thiết bị thi công công trình.

Theo đó, từ ngày 25/6-16/7/2014, Kim Văn Anh và Nguyễn Trường Duy đã thực hiện thành công kỹ thuật cảm biến nhận biết mối hàn cho dự án Nam Côn Sơn 2 - Bạch Hổ kết quả thực hiện theo nghiên cứu mới thì khối lượng hạt nhựa HE3450HD và một số vật tư khác cần sử dụng cho dự án Nam Côn Sơn 2 - Giai đoạn 1 ít hơn nhiều so với đơn giá, định mức do Viện Kinh tế xây dựng lập.

Thực tế, ngày 7/8/2014 khi thực hiện bọc ống cho công trình Nam Côn Sơn 2 - Giai đoạn 1, Trần Đức Minh và các bị cáo vẫn cho áp dụng kỹ thuật cảm biến nhận diện mối hàn.

Xét xử sơ thẩm vụ án liên quan CTCP bọc ống dầu khí Việt Nam - Ảnh 2.

Hội đồng xét xử tuyên án các bị cáo trong vụ Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVCoating. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn - TTXVN

Trên cơ sở thi công 20 km ống đầu tiên, Nguyễn Phước Toàn đã căn cứ thực tế tiếp tục tính toán lập dự trù vật tư cho toàn bộ dự toán, qua đó các bị can biết rõ tổng số vật tư cần thiết cho dự án thấp hơn nhiều so với định mức.

Trong đó, khối lượng hạt nhựa HE3450HD chỉ 1.351.922 kg và LE851P là 78.845 kg (theo báo cáo của Nguyễn Phước Toàn gửi cho Phạm Ngọc Minh, Kim Văn Anh, Bùi Nhật Vinh và Trần Đức Minh biết nhưng Trần Đức Minh vẫn tiếp tục ký các hợp đồng với Công ty Yukon Capital Limited Hồng Kông mua 1.863,05 tấn hạt nhựa HE3450HD, trị giá 97 tỷ đồng theo khối lượng định mức của Viện kinh tế kỹ thuật dự thảo mà không mua theo dự trù Nguyễn Phước Toàn lập (Hợp đồng được ký từ 19/5/2014 - 26/02/2015).

Sau khi mua vật tư về, Trần Đức Minh và Phạm Ngọc Minh đã chỉ đạo Nguyễn Đình Tuấn và cho tạm ứng chi phí để đưa 3 lô hạt nhựa có khối lượng gần 1.000 tấn và 14 tấn bột nhựa từ cảng Cái Mép về thẳng kho do Trần Đức Minh “mượn” của Hoàng Ngọc Sử ở Long Bình, Đồng Nai để cất giữ.

Để hợp thức số vật tư dư thừa của dự án Nam Côn Sơn 2 - Giai đoạn 1 trên hệ thống chứng từ kế toán Công ty, trong thời gian từ ngày 7/10/2014 đến tháng 11/2015, Trần Đức Minh đã trực tiếp chỉ đạo, bàn bạc với Phạm Ngọc Minh, Nguyễn Thị Hà Nhung, Bùi Nhật Vinh tại phòng làm việc của bị cáo (Đã được Chủ tọa hỏi, bị cáo Trần Đức Minh khai thừa nhận tại phiên tòa).

Qua đó, thống nhất nâng khối lượng vật tư xuất kho dùng cho sản xuất, cụ thể là phải sửa chữa, bổ sung thêm các phiếu đề nghị xuất kho, phiếu xuất kho nâng thêm khối lượng vật tư thực tế thi công.

Trong phạm vi cơ cấu tổ chức chặt chẽ về thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của phòng nghiệp vụ và từng cá nhân, Phạm Ngọc Minh, Bùi Nhật Vinh, Nguyễn Thị Hà Nhung đã trực tiếp thực hiện và yêu cầu cấp dưới thực hiện.

Các bị cáo thực hiện việc sửa chữa chứng từ kế toán 3 đợt. Đợt 1 vào thời điểm tháng 10/2014, đợt 2 tháng 1/2015, đợt 3 từ tháng 5 - 7/2015.

Tổng cộng Bùi Nhật Vinh ký ở mục “Phòng Kinh tế kỹ thuật” 62 “Đề nghị xuất kho vật tư, thiết bị”; Nguyễn Phước Toàn ký ở mục “Trưởng đơn vị” 49 “Đề nghị xuất kho vật tư, thiết bị”; Kim Văn Anh ký ở mục “Trưởng đơn vị” 5 “Đề nghị xuất kho vật tư, thiết bị”; Nguyễn Công Chương ký ở mục “Kế toán trưởng” 53 “Phiếu xuất kho”; Phạm Ngọc Minh ký ở mục “Giám đốc” 54 “Đề nghị xuất kho vật tư, thiết bị”.

Sau khi hoàn thành việc điều chỉnh hồ sơ kế toán nâng khống vật tư dùng cho sản xuất từ ngày 27/8 - 12/9/2015, Trần Đức Minh đã cho chuyển 13 container vật tư của PVCoating gồm: 66 tấn bi sắt GL18; 10 tấn Steel Shot S330; 1,5 tấn PS ball; 913 cuộn lưới thép hàn mạ kẽm (tương đương 39 tấn); 33,95 tấn hạt nhựa HE3450HD; 15,2 tấn bột nhựa LE851P; 2,6 tấn bột nhựa Sinter về kho K752 của Hoàng Ngọc Sử cất giữ.

Các bị cáo Nguyễn Công Chương, Nguyễn Phước Toàn, Kim Văn Anh mặc dù biết số liệu vật tư trên các chứng từ kế toán mà các bị cáo Trần Đức Minh, Phạm Ngọc Minh, Bùi Nhật Vinh và Nguyễn Thị Hà Nhung yêu cầu làm lại, ký lại đã được nâng khống cao hơn so với thực tế sử dụng cho sản xuất nhưng các bị cáo vẫn ký lại các Phiếu đề nghị xuất kho, Phiếu xuất kho vật tư, thiết bị không đúng thực tế và giá trị nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

Hành vi cố ý làm trái nguyên tắc, yêu cầu kế toán dẫn đến hậu quả là để tài sản ngoài sổ sách kế toán của Công ty, làm mất quyền quản lý của công ty đối với số tài sản đó, hậu quả là để các bị cáo Trần Đức Minh cùng các đồng phạm khác thực hiện hành vi chiếm đoạt vật tư của PVCoating trị giá 48.386.045.645 đồng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Phước Toàn, Nguyễn Công Chương, Kim Văn Anh đã vi phạm khoản 3 Điều 7, khoản 4 Điều 6 Luật Kế toán 2003, cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định trong Bộ luật Hình sự.

Qua phân tích, Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 đề nghị tuyên bố các bị cáo Trần Đức Minh, Phạm Ngọc Minh, Bùi Nhật Vinh, Nguyễn Thị Hà Nhung phạm tội tham ô tài sản.

Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Trần Đức Minh 16 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Hà Nhung 11 năm tù; bị cáo Bùi Nhật Vinh 10 năm tù; bị cáo Phạm Ngọc Minh 11 năm tù.

Hội đồng xét xử  cũng đã áp dụng khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999, tuyên phạt  các bị cáo Nguyễn Phước Toàn, Nguyễn Công Chương, Kim Văn Anh phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Huỳnh Sơn