|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xếp hạng của Moody’s ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp?

15:02 | 12/10/2019
Chia sẻ
Ảnh hưởng dễ thấy nhất của việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm là chi phí lãi suất huy động vốn, cổ phiếu, trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn so với hiện tại.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service thông báo về việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và 17 ngân hàng trong nước.

Nhiều công ty chứng khoán cho rằng điều này nếu diễn ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nhóm doanh nghiệp, tổ chức, hoặc cơ quan chính phủ đã và đang phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Công ty Chứng khoán BSC cho biết trong trường hợp điểm tín dụng của Việt Nam cùng các ngân hàng bị suy giảm, lãi suất của các nhóm trái phiếu hay các khoản CDS (công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng) sẽ tăng lên. 

Nguyên nhân do nhà đầu tư nước ngoài sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn với các khoản nợ có rủi ro cao hơn.

Tác động tiêu cực

Theo BSC, điều này có thể tác động tiêu cực với các nhóm doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ đã và đang phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong công đoạn quản lý dòng tiền của hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và các dự án trọng điểm.

Tuy nhiên, Moody's cũng thừa nhận với dự trữ ngoại hối lớn (xấp xỉ 71 tỷ USD) và các yêu cầu tài chính ở mức thấp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ.

Xếp hạng của Moody’s ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng Việt đã và đang phát hành trái phiếu huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: TCTC.

Bản đánh giá sắp tới của tổ chức xếp hạng này sẽ xem xét việc những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ có dẫn tới khả năng chậm thanh toán các khoản nợ trong tương lai hay không.

“Vì vậy, trong 3 tháng tới, Việt Nam có thể sẽ làm việc chặt chẽ với Moody để đảm bảo hạng tín nhiệm Ba3 hiện tại”, báo cáo của BSC nhấn mạnh.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết Moody’s có thể hạ tín nhiệm của Việt Nam nếu sau quá trình xem xét, hãng này kết luận khoảng trống về hành chính vẫn tồn tại và gây ra rủi ro về việc chậm trả nợ.

Việc bị hạ tín nhiệm sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của quốc gia và doanh nghiệp. Cụ thể là chi phí lãi suất huy động vốn sẽ cao hơn để bù rủi ro, thu hút nhà đầu tư. Việc tăng chi phí vốn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của đầu tư công và tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, công ty chứng khoán này cho rằng đây lại được xem là động lực để Chính phủ tiến hành khắc phục các vấn đề, thủ tục hành chính và điều tiết nhằm tránh xảy ra việc hạ đánh giá tín nhiệm, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn trong tương lai.

Không phản ánh đúng tiến bộ của nền kinh tế

Cũng theo Yuanta Việt Nam, thông báo của Moody’s lần này mới dừng lại ở mức xem xét chứ không phải hạ tín nhiệm, và việc đánh giá sẽ diễn ra trong vòng 3 tháng.

Hiện tại, Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán với mức dự trữ ngoại hối dồi dào xấp xỉ 70 tỷ USD, tương đương gần 14 tuần nhập khẩu. Các chỉ số cán cân thanh toán quốc tế thặng dư kỷ lục với 7,2 tỷ USD trong quý I, nhờ thặng dư thương mại và đầu tư nước ngoài cao.

Việc thanh toán các nghĩa vụ nợ (khác) của Việt Nam vẫn đang diễn ra bình thường. Trong đó, riêng quý II Việt Nam đã thanh toán nợ gốc ngắn hạn 4,2 tỷ USD và dài hạn 1,4 tỷ USD (gồm tư nhân và chính phủ). Theo đó cán cân tài chính giảm từ 7,2 tỷ USD xuống còn 0,8 tỷ USD

Xếp hạng của Moody’s ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp? - Ảnh 2.

Chỉ số xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Nguồn: YSVN.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhận định việc Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm với Việt Nam và 17 ngân hàng là một thông tin đáng tiếc khi các chỉ báo riêng đo lường chất lượng tín dụng các ngân hàng đã ghi nhận sự cải thiện ổn định trong 2 năm qua.

Công ty này khẳng định việc điều chỉnh bậc tín nhiệm sẽ không phản ánh hợp lý các tiến bộ mà các ngân hàng đã thực hiện được.

Hiện tại, Việt Nam đang được 3 tổ chức xếp hạng đánh giá là Moody’s, Fitch và S&P (DBRS chưa đánh giá xếp hạng Việt Nam). Mức xếp hạng và đánh giá đều được cải thiện đáng kể nhờ sự cải thiện và ổn định vĩ mô của nền kinh tế trong 3 năm qua.

Yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trái phiếu quốc tế với chi phí huy động thấp.

Tuy vậy, mức đánh giá tổng quan hiện tại của Việt Nam vẫn là thị trường mang tính chất đầu cơ và chưa thể đầu tư nên dòng tiền dịch chuyển vào Việt Nam sẽ luân chuyển nhanh, đặc biệt là thị trường chứng khoán.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, đặc biệt là tăng độ mở của nền kinh tế như điều kiện tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài ở nhóm ngành kinh doanh có điều kiện.

Quang Thắng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.