Xây Cảng sân bay Lào Cai: Phục vụ người giàu?
UBND tỉnh Lào Cai xin xây dựng Cảng hàng không SaPa với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C. Tổng vốn đầu tư gần 5.779 tỷ đồng (không bao gồm chi phí xây lắp, trang thiết bị của quốc phòng), GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, lãng phí, chỉ phục vụ nhà giàu, giới đại gia.
Xây dựng cảng hàng không chỉ phù hợp phục vụ người giàu. Ảnh: tài khoản Sunflower21592
Phục vụ ai?
Phân tích thêm, GS Đặng Đình Đào nói rõ, Lào Cai là tỉnh miền núi, kinh tế khó khăn, thu nhập người dân còn thấp, xây cảng hàng không là không phù hợp.
Chỉ ra 3 điểm để khẳng định, dự án không thể giúp Lào Cai một lúc có thể cất cánh lên trời, GS Đặng Đình Đào nói:
Thứ nhất, về vị trí địa lý. hàng không chỉ có lợi cho cung đường dài, khách đi máy bay sẽ phải chờ đợi làm thủ tục check in – check out mất rất nhiều thời gian. Trong khi, Khoảng cách từ Hà Nội - Lào Cai chỉ vài trăm cây số, máy bay chưa cất cánh đã phải hạ cánh.
Tổng thời gian thực hiện các chuyến bay tại các đường bay lớn hơn so với đường bộ, không có lợi.
Thứ hai, về giao thông, hiện lên Lào Cai đã có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Khách muốn tham quan, du lịch chỉ mất khoảng 3-4 tiếng chạy ô tô. Trong khi đó, chi phí vận chuyển đắt, không phải ai cũng có thể bay được.
Còn để phục vụ vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế đã có đường sắt. Lợi thế của Lào Cai là đường sắt và đường bộ, Lào Cai cần tận dụng lợi thế, đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt đôi nối liền từ Trung Quốc tới Lào Cai sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.
Thứ ba, về kinh tế, xã hội. Hàng không không đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế Lào Cai vì Lào Cai là tỉnh nghèo, nguồn thu chủ yếu vẫn dựa vào phát triển du lịch.
Tuy nhiên, nếu du khách trong nước đi du lịch đến Sapa thì sẽ bay đến Lào Cai rồi buộc phải đi ô tô. Do vậy, thời gian di chuyển còn lâu hơn, không phù hợp.
Đối với khách nước ngoài thường thích du lịch tự do, thích phượt, tự khám phá, không thích bó buộc, vì thế, hàng không chưa chắc đã là lựa chọn tốt cho mục tiêu phát triển du lịch tại địa phương này.
"Xây dựng cảng hàng không chỉ phù hợp phục vụ một số nhóm người giàu, đại gia có tiền muốn đi du lịch nhưng thực chất là đi nghỉ dưỡng. Số này cũng rất hạn chế, theo mùa, không ổn định, nguồn thu không đủ để bù chi.
Về kinh tế, dự án hoàn toàn không để phục vụ phát triển kinh tế, vì muốn thúc đẩy được kinh tế địa phương phát triển thì Lào Cai phải có được tiềm năng để cất cánh.
Tuy nhiên, theo thuyết trình của Lào Cai, dự án sẽ là cầu nối vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một vành đai kinh tế trên cơ sở phát triển giao thương giữa các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc là không hợp lý. Lào Cai lấy đâu hàng hóa để vận chuyển nhiều như thế? Rõ ràng, các mắt xích để phục vụ cho thuyết trình kết nối, phát triển kinh tế là không thuyết phục, không hiệu quả.
Lào Cai thay vì phát triển hàng không, nên tập trung hiện địa hóa đường bộ, tập trung đầu tư nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường sắt cao tốc sẽ hiệu quả mà phù hợp với điều kiện của kinh tế, xã hội của Lào Cai hơn", GS Đặng Đình Đào phân tích.
Khó kiểm soát, dễ thất thoát
Về nguyện vọng xin được thực hiện dự án bằng nguồn lực từ xã hội hóa của Lào Cai, GS Đặng Đình Đào cũng đánh giá là không ổn.
Theo phương án của tỉnh Lào Cai, địa phương này sẽ kêu gọi đầu tư kết hợp hỗ trợ từ ngân sách địa phương phần khu bay cùng với giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tổng kinh phí khoảng 2.861 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ được huy động từ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nghiên cứu đầu tư hạng mục quản lý bay...
GS Đặng Đình Đào nói thẳng, kêu gọi xã hội hóa lâu nay đang bị biến tướng, bị lợi dụng, gây thất thoát cho nhà nước và địa phương.
"Thông thường, khi kêu gọi xã hội hóa địa phương phải đổi lại cho nhà đầu tư bằng đất hoặc dự án khác, hoặc phải đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng... cách làm này đã gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.
Điển hình là việc xây dựng dự án Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc mới bị khởi tố vì cách làm thiếu trách nhiệm, tranh thủ dự án để chụp giật, trục lợi.
Đặt trong bối cảnh, nguồn ngân sách đang khó khăn, Việt Nam được cảnh báo "lạm phát sân bay, cảng biển", Lào Cai phải rất thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tình trạng thực hiện dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để cuối cùng để người dân chịu thiệt", GS Đặng Đình Đào cảnh báo.
Xem thêm |