|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xăng giảm, giá hàng hóa vẫn cao

06:59 | 14/04/2020
Chia sẻ
Trong khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu giảm mạnh thì giá hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm vẫn trên trời.
Xăng giảm, giá hàng hóa vẫn cao - Ảnh 1.

Lưu thông khó khăn và hạn chế phân phối khiến giá cả khó giảm sâu Ảnh: Ng.Nga

Từ 15 giờ hôm qua (13.4), giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm tiếp hơn 600 đồng/lít; dầu hỏa, dầu diesel giảm hơn 400 - 500 đồng/lít. Như vậy, cả hai lần điều chỉnh trong nửa tháng, giá xăng giảm gần 5.000 đồng/lít, chỉ còn gần một nửa so với 6 tháng trước.

Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau quả vẫn neo ở mức cao.

Cước vận chuyển, thực phẩm... không giảm

Giá thịt heo thời gian gần đây đã trở thành nỗi bức xúc của cả người dân lẫn cơ quan có thẩm quyền vì càng kéo xuống thì càng được đẩy lên trời. Đến hôm qua, giá heo hơi đã được đẩy lên gần 90.000 đồng/kg ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cách xa mức giá mà Chính phủ yêu cầu là 70.000 đồng/kg.

Heo hơi cao, giá ngoài chợ còn “kinh khủng” hơn. Ngày 13.4, tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), thịt heo bán lẻ giá cao nhất 240.000 đồng/kg với ba rọi rút sườn, ba rọi thường 180.000 đồng/kg, sườn non 200.000 - 220.000 đồng/kg, thịt nạc mông, nạc vai 140.000 - 150.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị Co.op Mart và BigC, sườn non heo sau khi được giảm 18% vẫn còn mức 238.000 đồng/kg, cao hơn giá cùng mặt hàng này tại chợ. Ba rọi rút xương 220.000 đồng/kg, nạc vai 140.000 đồng/kg, nạc đùi heo 161.000 đồng/kg, chân giò (móng) 128.000 đồng/kg. 

Giá thịt heo bình ổn tại siêu thị cũng còn giữ mức giá cao từ hơn tháng trước, chẳng hạn, thịt đùi heo 140.000 đồng/kg, ba rọi 179.000 đồng/kg, cốt lết gần 140.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá heo mảnh bán tại chợ đầu mối cao nhất đã lên 115.000 - 120.000 đồng/kg. Theo bà Trang (tiểu thương kinh doanh thịt heo sỉ tại chợ Hóc Môn, TP.HCM), giá heo mảnh như vậy tương đương giá heo hơi từ 80.000 - 85.000 đồng/kg.

Bà Trang nói: “Heo hơi chúng tôi mua tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai) giá 82.000 đồng/kg, trả xuống 80.000 đồng/kg không ai bán. Trong khi đó, giá xe đông lạnh chở thịt từ lò mổ về chợ cũng chưa hề giảm, làm sao giảm giá thịt được”.

Heo không giảm nên các loại thực phẩm khác cũng neo cao. Tại chợ truyền thống Tân Phước (Q.Tân Bình) hôm qua, cá thu cắt lát giá 220.000 đồng/kg, cá ngừ 100.000 đồng/kg, cá bớp 250.000 đồng/kg, cá lóc và cá diêu hồng đồng giá 60.000 đồng/kg, cá nục 70.000 đồng/kg.

 Cà chua 20.000 đồng/kg, cà chua Đà Lạt loại lớn đóng thành vỉ giá 30.000 đồng/vỉ 4 quả, cà rốt 20.000 đồng/kg... Trong các siêu thị, mỗi loại nói trên cộng thêm khoảng 10.000 đồng. Mức giá này so với trước đó 1 tháng hầu như không có nhiều thay đổi trong khi giá xăng trong 1 tháng qua như nói trên, đã giảm tới 5.000 đồng/lít. 

Trong khi mỗi lần xăng tăng giá, giá cả lập tức "tát theo xăng", tăng ngay lập tức nhưng giờ thì... xăng giảm mặc xăng.

Ngay cả các dịch vụ có đầu vào trực tiếp là xăng cũng “mặc kệ”. Đại diện một công ty logistic tại Q.2 (TP.HCM) cũng thông tin, giá cước nội địa không có thay đổi từ tháng 9.2019 đến nay, thời điểm giá xăng 21.000 đồng/lít.

“Giá xăng giảm nhưng cước nội địa đến bây giờ không giảm do chính các nhà xe nói rõ dịch bệnh, phải cho tài nghỉ việc nhiều, không hoạt động làm ăn thường xuyên, nên chưa thể giảm được. Còn cước vận tải nước ngoài ngay mùa dịch lại đang tăng. 

Chẳng hạn, một container 40 feet giá 1.500 - 2.000 USD, nay tăng thêm từ 400 - 1.000 USD/container do thế giới hạn chế đi lại, dịch vụ bốc xếp tăng, thời gian vận chuyển, chờ khử trùng, cách ly... kéo dài, đội thêm nhiều chi phí nên cước quốc tế chỉ có tăng, chưa giảm, cho dù giá dầu thế giới đang giảm ào ào”, đại diện công ty trên nói.

Vẫn do khâu phân phối, lưu thông

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong phân tích dù giá xăng, dầu có tiếp tục giảm mạnh, thì giá các mặt hàng tiêu dùng nói chung, đặc biệt là giá thịt heo nói riêng vẫn khó giảm. Nguyên nhân là khâu lưu thông hiện khó khăn và sự độc quyền trong hệ thống phân phối.

Theo Bộ NN-PTNT, tốc độ tăng đàn heo bình quân 3 tháng đầu năm 2020 cả nước là 6,2%; lượng heo hơi xuất chuồng quý 1 đạt 810.000 tấn; quý 2 dự kiến đạt 950.000 tấn; quý 3 đạt 1,020 triệu tấn và quý 4 đạt 1,090 triệu tấn. 

Điều này có nghĩa đến cuối quý 2, đầu quý 3, nguồn cung từ chăn nuôi đã đáp ứng được khoảng trên dưới 90% nhu cầu thịt heo.

Dự kiến đến cuối quý 3 và quý 4 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất tháng 12.2018 - thời điểm trước khi dịch tả heo châu Phi bùng phát. 

Đồng thời, lượng thịt nhập khẩu tăng mạnh, tính đến ngày 27.3, số lượng thịt heo nhập khẩu đạt hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, giá heo cao chắc chắn không phải do nguồn cung khan hiếm.

“Như vậy, lý do giá thịt heo trên thị trường vẫn cao nằm ở khâu lưu thông. Ngay cả cơ quan chức năng cũng đã đưa ra con số giá thịt hơi tăng 1,7 lần chỉ tính từ chuồng ra chợ”, ông Phong khẳng định.

Chỉ có cách nhà nước cho phép tăng bán buôn hoặc mở thêm các điểm bán lẻ lưu động thì mới kéo được giá thịt heo nói riêng và hàng hóa nói chung xuống.

Song song đó, cần sự hỗ trợ của nhiều bên trong việc tăng liên kết cung ứng giữa các địa phương, tiết giảm chi phí kinh doanh, đa dạng hóa các nguồn thịt nhập khẩu, kiểm soát độc quyền và thổi giá khâu trung gian trong chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, đến tiêu dùng…

TS Nguyễn Minh Phong


Chiều qua (13.4), liên bộ Tài chính - Công thương đã ra quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, do bình quân giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới 15 ngày qua đã giảm hơn 4 USD/thùng so với kỳ trước.

Kỳ điều chỉnh này, thay vì giảm sâu giá bán lẻ, cơ quan quản lý đã quyết định tăng trích lập Quỹ bình ổn giá, như sau: Xăng E5RON92 trích lập ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít); xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel trích lập 1.400 đồng/lít (kỳ trước 1.150 đồng/lít); trong khi đó tiếp tục ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cơ quan điều hành cũng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giảm 613 đồng mỗi lít xăng E5RON92; xăng RON95-III giảm 621 đồng/lít, dầu diesel 0.05S giảm 436 đồng/lít, dầu hỏa giảm 502 đồng/lít và dầu mazút 180CST 3.5S giảm 126 đồng/kg.

Giá xăng dầu phổ biến trên thị trường sau khi giảm như sau: xăng E5RON92 không cao hơn 11.343 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 11.939 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 10.823 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 8.639 đồng/lít và dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 9.327 đồng/kg.

Trả lời Thanh Niên chiều 13.4 về ý kiến cho rằng giá xăng dầu có thể giảm sâu hơn nữa, thay vì dồn vào trích Quỹ bình ổn, một lãnh đạo tổ điều hành liên bộ lý giải rằng việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu là “ở mức hợp lý để có dư địa điều hành giá xăng dầu những kỳ tiếp theo trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang có diễn biến phức tạp, khó lường”.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 29.3), giá xăng dầu trong nước đã giảm rất mạnh khi xăng E5RON92 giảm 4.100 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 4.252 đồng/lít và dầu diesel 0.05S giảm 1.776 đồng/lít.

Chí Hiếu

Nguyên Nga