World Bank hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu 2024, xuất khẩu của Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank) hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 xuống 2,3%, từ mức 2,8 trong dự báo trước đó. Lý do là vì nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc và đầu tư toàn cầu yếu hơn kỳ vọng.
VDSC cũng cho hay khảo sát mới nhất về chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy nhu cầu nguyên liệu và hàng hoá cho hoạt động sản xuất tại thời điểm tháng 12/2023 vẫn còn rất thấp, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023.
Đồng thời, triển vọng đơn hàng ở các thị trường vốn khá năng động như Bắc Mỹ và châu Á sụt giảm trở lại trong tháng 12/2023, cho thấy sự phục hồi nhu cầu thế giới vẫn còn rất mong manh.
Ngoài ra một điểm đáng chú ý là việc tăng cường tích trữ hàng tồn kho bắt đầu trở lại do quan ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ. Hiện tại có những quan ngại xoay quanh vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cả hàng hoá tăng lên do chi phí vận chuyển tăng cao và từ đó sẽ kéo giảm đà phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nếu tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ kéo dài.
Từ những lý do trên. nhóm phân tích cho rằng triển vọng hoạt động thương mại của Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức.
Ở khía cạnh tích cực, VDSC cho rằng có một số yếu tố kỳ vọng như chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho ở các thị trường lớn đã đi đến hồi kết, trọng tâm của nhu cầu năm nay sẽ đến từ sự hồi phục của nhu cầu.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của mặt hàng công nghệ sẽ tích cực hơn nhóm hàng phi công nghệ do hưởng lợi từ chu kỳ thay thế cho các sản phẩm được bán trong giai đoạn COVID-19 và làn sóng tích hợp AI vào thiết bị công nghẹ.
Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam đang tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng năng lực sản xuất thiết bị điện tử, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Trong kịch bản cơ sở, VDSC dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 đạt 7-10%, dự báo này khá phù hợp với diễn biến tăng trưởng nhập khẩu nguyên vật liệu giai đoạn cuối năm 2023 cũng như tốc độ phục hồi của xuất khẩu trong quý IV/2023.