World Bank giữ nguyên dự báo tăng trưởng 6% cả năm
|
Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á, Thái Bình Dương công bố ngày hôm nay (5/10) của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ ở mức 6%.
Đại diện World Bank đánh giá, năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ít kì vọng hơn so với dự kiến. Nhưng nhìn chung so với mức tăng trưởng trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 5,8% năm nay, Việt Nam vẫn được cho là đầy triển vọng.
Tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi lên 6,3% năm 2017, nhờ nhu cầu tiêu dùng và tín dụng tăng. Xuất khẩu cũng sẽ tăng theo nhờ các hiệp định thương mại tự do gần đây, World Bank nhận định.
Trong khi đó, mức tăng trưởng mà World Bank dự báo đối với Trung Quốc từ 6,7% năm nay xuống còn 6,5% năm 2017 và 6,3% năm 2018. Các nước khác trong khu vực sẽ duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 4,8% năm nay; 5,0% năm 2017 và tới năm 2018 là 5,1%.
"Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình", World Bank nhận xét.
Tuy vậy, cũng như các nước xuất khẩu nguyên liệu thô khác trong khu vực, Việt Nam được khuyến cáo nên ưu tiên duy trì một khoảng đệm để tạo khung tài khóa vững mạnh thay vì cố gắng đối phó biến động theo chu kì để tạo ổn định.
World Bank cho rằng, mất cân đối tài khóa vẫn tích tụ và gây quan ngại. Thâm hụt tài khóa, kể cả các khoản ngoài ngân sách chiếm 6% GDP trong năm 2015 và làm cho nợ công Việt Nam tăng lên 62,2% GDP, tăng gần 11 điểm phần trăm so với năm 2010. Ngân hàng này dự báo nợ công của Việt Nam năm 2016 có thể lên tới 64,1%, tiến gần tới mức Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Sang năm 2017, giá dầu mỏ sẽ có hồi phục nhẹ, tuy khó quay lại ngưỡng kì vọng như năm 2014 nhưng đây sẽ là triển vọng thu ngân sách tốt cho các nước xuất khẩu dầu thô trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, World Bank khuyến cáo, các nước nên tập trung vào sản xuất trong nước, phát triển nội lực, đặc biệt chú trọng kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình. “Viễn cảnh trung hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng trường tăng trưởng trong trung hạn”, Ngân hàng này nhận định.