Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN: 'Tôi mong ước mọi dịch vụ ngân hàng đều có thể thực hiện trên mobile'
ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN (Ảnh: VnExpress).
Cho biết trong Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019 khi nói về thanh toán điện tử, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bày tỏ mong muốn "tất cả các giao dịch thanh toán có thể thực hiện trên di động (mobile)".
Thanh toán số là một vấn đề nóng trong thời đại hiện nay. Theo ông, các ứng dụng thanh toán hiện nay chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn.
Quy tắc này được hiểu một cách đơn giản là các giao dịch phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải phản hồi lại yêu cầu trong thời gian 1s (trả lời được hay không) và không có sự can thiệp của con người.
"Khẩu hiệu 3-1-0 cực kỳ đơn giản, dễ nhớ, những làm được hay không lại là điều không dễ", ông Dũng nhận xét.
Để có thể thực hiện được điều này cần có sự tiếp cận từ cả font-end và back-end, cải tiến qui trình,...
Ông cũng nhấn mạnh "rào cản lớn nhất của thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người dùng". Theo những thông tin thống kê gần đây cho biết Viet Nam nằm trong Top 3 phát triển thanh toán điện tử sau Trung Quốc và Thái Lan.
Một rào cản khác cho sự thay đổi là khoảng cách giữa nói và làm, tương tự đánh giá trước đó của ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch FPT. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiến tới là Bộ đầu tiên xây dựng cơ chế sandbox (khung pháp lý thử nghiệm).
Liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu, Nghị quyết 02 nói là ngành điện và bênh viện phải vào cuộc để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt nhưng hiện tại quá trình này vẫn chưa thực hiện được triệt để.
Chia sẻ thêm về các con số qui mô thanh toán thương mại điện tử 8 tỉ USD, ông cho biết đây chỉ là thanh toán bán lẻ là số lượng lớn nhưng giá trị còn rất nhỏ. Tổng giá trị thanh toán điện tử giữa các ngân hàng với nhau hàng ngày đã đạt khoảng 13 tỉ USD mỗi ngày.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị "hộ" cho các doanh nghiệp rằng Chính phủ cần có sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
"Ví dụ trong lĩnh vực quảng cáo số, rõ ràng Google và Facebook chiếm thị phần rất lớn đến 70 - 80% nhưng chúng ta có thu được thuế gì không, trong khi những doanh nghiệp Việt đang hoạt động trong lĩnh vực này chịu nhiều chế tài quản lí", ông nói.