|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Vụ bắt Thanh tra xây dựng là bài học cho Thanh tra Tài chính'

11:54 | 13/07/2019
Chia sẻ
"Vụ bắt Thanh tra xây dựng là bài học cho Thanh tra Tài chính" - Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đối với Bộ Tài chính trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhất là những lĩnh vực như thuế, hải quan, quản lý ngân sách, đất đai, công sản, chứng khoán.

Thu ngân sách không đơn thuần là thu thuế

Tại hội nghị sơ kết ngành tài chính 6 tháng đầu năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cũng như của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong 6 tháng qua.

Theo Phó Thủ tướng, dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng 6 tháng đạt 6,76%, tổng cầu dịch vụ, tiêu dùng trên 11,5% cao nhất trong 5 năm qua, CPI bình quân tăng 2,64% thấp nhất trong 3 năm qua mặc dù điều chỉnh giá điện, thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá xăng dầu; thu ngân sách tăng cao hơn và chi ngân sách chặt chẽ, đủ tiến độ, nhất là chi cho an sinh xã hội, vai trò vị thế Việt Nam tăng cao trên cộng đồng quốc tế...

Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí, tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, hải quan...

Dù vậy, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Tài chính vẫn còn một số hạn chế, khó khăn phải đối mặt và giải quyết trong thời gian tới, trong đó có vấn đề về giải ngân chậm, cổ phần hoá tuy có thực chất và hiệu quả nhưng vẫn còn chậm...

"Xây dựng thể chế, ban hành văn bản không rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp, chưa kịp thời trình Thủ tướng bãi bỏ, bổ sung các văn bản vướng mắc. Ví dụ văn bản hướng dẫn cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) của xăng dầu...", Phó Thủ tướng nói.

Về thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng, về dài hạn cần phải rà soát, có đường hướng điều chỉnh chính sách thu để nuôi dưỡng và tăng tỷ lệ điều tiết trong một số lĩnh vực như thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm nguồn thu, lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT...

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN); rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế (cả đối tượng và địa bàn); chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu. Giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế.

"Tinh thần là chặt chẽ  và thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để thu chứ không chỉ đơn giản là thu thuế. Trước mắt chúng tôi đề nghị Bộ trình Chính phủ Nghị quyết giải pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và hộ kinh doanh để họ trở thành doanh nghiệp để có cơ sở thu thuế..." Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Phòng ngừa là chính nhưng khi có sai phạm phải xử lý nghiêm

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Đồng thời, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định; triển khai thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.

Cùng với đó là tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất, thu hút FDI một cách chọn lọc, đấu tranh quyết liệt đầu tư chui, núp bóng, bảo vệ môi trường...Tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, dự báo sát cung - cầu, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng do thiên tai.

"Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá cần quán triệt tinh thần là chúng ta quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, kiểm soát lạm phát bình quân trong mức từ 3,3 – 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%. Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch, nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ để tạo sự đồng thuận trong xã hội", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc tới tình trạng hàng hóa nước khác được nhập khẩu rồi lấy xuất xứ Việt Nam xuất đi. Do đó, ông yêu cầu Bộ Tài chính cần sát sao, phát hiện, xử lý nghiêm để răn đe.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, không được khoan nhượng với các hiện tượng đầu tư chui, núp bóng của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) để gian lận xuất xứ hàng hoá. "Bộ cần kiểm soát tốt tình trạng xuất nhập khẩu và có bộ lọc đối với các doanh nghiệp FDI", ông Huệ nói.

Đề án chống lảng tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ cũng vừa được Thủ tướng ký ban hành, theo ông Vương Đình Huệ.

Về tỷ lệ giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm thấp, Phó thủ tướng cho rằng có phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các địa phương nhưng việc phối hợp của Bộ Tài chính cũng rất quan trọng và còn nhiều điểm nghẽn.

"Nước nào cũng kêu đề xuất Việt Nam sớm thanh toán khoản nợ Chính phủ cho các nhà thầu. Chúng ta tắc không giải ngân được. Nhà thầu nước ngoài, trong nước và trong nước sẽ đều khó, gây thiệt đơn thiệt kép", ông Huệ nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với hoạt động tài chính và trong nội bộ ngành tài chính, nhất là những lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như Thuế, Hải quan, quản lý ngân sách, đất đai, công sản, chứng khoán, xử lý nghiêm các sai phạm. 

“Phòng ngừa là chính nhưng khi có sai phạm phải xử lý nghiêm. Kể cả lĩnh vực Thanh tra Tài chính. Vụ việc Thanh tra xây dựng bị bắt vừa rồi ở Vĩnh Phúc là bài học rất lớn cho ngành Tài chính”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tuấn Nguyễn