|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ án nguyên Phó Chủ tịch TP HCM: Bác yêu cầu của Dương Thị Bạch Diệp

07:07 | 16/03/2021
Chia sẻ
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi kiểm sát viên Trịnh Thị Lan Anh vì cho rằng vị kiểm sát viên này không khách quan, câu kết với điều tra viên để che giấu sự thật vụ án.
Vụ án nguyên Phó Chủ tịch TP HCM: Bác yêu cầu của Dương Thị Bạch Diệp - Ảnh 1.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa ngày 15/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).

Ngày 15/3, Tòa án nhân dân TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy nhà đất số 185 Hai Bà Trưng.

Trong ngày xét xử đầu tiên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đã công bố toàn bộ cáo trạng vụ án và phiên tòa bước vào phần xét hỏi.

Bác yêu cầu vô lý của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp

Tại phiên tòa hôm nay, ngay trong phần làm thủ tục phiên tòa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi kiểm sát viên Trịnh Thị Lan Anh vì cho rằng vị kiểm sát viên này không khách quan, câu kết với điều tra viên để che giấu sự thật vụ án nhằm buộc tội bị cáo.

Bị cáo Diệp cũng cho rằng kiểm sát viên có họ hàng bên Ngân hàng Agribank.

Về kiến nghị của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Chủ tọa phiên tòa cho biết trong quá trình điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận đơn để xem xét nội dung khiếu nại này của bị cáo và kết quả là tất cả 5 thành viên của Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bị cáo vì không có căn cứ pháp luật.

Trong thông báo về việc xử lý đơn của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định không có căn cứ thụ lý, giải quyết đơn của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp vì bị cáo chỉ nêu nội dung mà không cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh nội dung khiếu nại của mình là có căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 469 - Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm a, khoản 1, Điều 5 của Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BNN&PTNT về việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng khẳng định trong quá trình giải quyết vụ án kiểm sát viên và điều tra viên được phân công thụ lý, giải quyết vụ án đã làm việc với các luật sư bào chữa cho bị cáo Diệp.

Kết quả làm việc cho thấy các luật sư xác nhận kiểm sát viên và điều tra viên đã làm việc khách quan, đúng pháp luật trong quá trình làm việc với bị cáo.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội

Theo cáo trạng, nhà đất số 179 Hai Bà Trưng (Phường 6, Quận 3) là của bà Dương Thị Bạch Diệp; nhà đất số 185 Hai Bà Trưng (Phường 6, Quận 3) là tài sản nhà nước được giao cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, nay là Sở Văn hóa và Thể thao) quản lý và làm trụ sở.

Do cơ sở 185 Hai Bà Trưng xuống cấp, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương (do bà Diệp làm Giám đốc) để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở.

Vụ án nguyên Phó Chủ tịch TP HCM: Bác yêu cầu của Dương Thị Bạch Diệp - Ảnh 2.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương, được áp giải đến phiên tòa ngày 15/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).

Sau đó, bà Diệp đề xuất với Trung tâm Ca nhạc nhẹ hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (Quận 3, TP HCM) để lấy mặt bằng ở 185 Hai Bà Trưng với lý do là để bà Diệp hợp nhất với các thửa đất 179, 181-185 Hai Bà Trưng nhằm tạo thành tổ hợp khách sạn 5 sao.

Khi được đồng ý về chủ trương, trong quá trình hoán đổi, bà Diệp đã thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng để vay vốn tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh TP HCM.

Tuy nhiên, sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp không đưa tài sản này vào ngân hàng để rút giấy chứng nhận nhà đất số 57 Cao Thắng để bàn giao, sang tên cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP như cam kết.

Thay vào đó, bà Diệp tiếp tục dùng nhà đất 185 Hai Bà Trưng để thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam và đến nay không có khả năng trả nợ.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Trong phần xét hỏi, trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bác bỏ toàn bộ nội dung cáo trạng.

Bị cáo Diệp cho rằng cáo trạng quy chụp, vu oan cho bị cáo. Bị cáo Diệp khai nhận trụ sở Công ty Diệp Bạch Dương sát bên trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM.

Bị cáo biết đơn vị trên đang tìm kiếm đối tác với mục đích hợp tác nâng cấp, cải tạo trụ sở. Sau đó, bị cáo Diệp gặp bị cáo Vy Nhật Tảo, Giám đốc Trung tâm, để bàn bạc, thỏa thuận hợp tác.

Bị cáo Diệp khẳng định chưa bao giờ thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng để vay 8.700 lượng vàng SJC của Ngân hàng Agribank chi nhánh TP HCM.

Khi Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Diệp về hợp đồng thế chấp tài sản ngày 31/12/2008 được công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo thì bị cáo Diệp cho rằng đây là “hợp đồng giả.”

Sau đó, bị cáo Diệp đưa ra nhiều lý do, cho rằng phía ngân hàng dùng nhiều “thủ đoạn,” “mưu mô” để chiếm giữ nhà đất 57 Cao Thắng của bị cáo.

Trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu bị cáo Dương Thị Bạch Diệp trả lời trúng vào câu hỏi của tòa, không lòng vòng.

Những lời khai của bị cáo sẽ được Hội đồng xét xử sẽ đánh giá khi nghị án; trong phần tranh luận Viện Kiểm sát sẽ có những lời tranh luận với bị cáo.

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thừa nhận cáo trạng truy tố đúng nhưng cho rằng có một số nội dung chưa rõ liên quan đến hành vi của bị cáo.

Theo bị cáo Nguyễn Thành Tài, dù thời điểm hoán đổi, bị cáo không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước, nhưng khi được phân công xử lý việc hoán đổi, bị cáo đã "nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ.”

Bị cáo Tài cho biết vì tin tưởng cấp dưới nên bị cáo không trực tiếp thẩm định tình trạng pháp lý tài sản ở số 57 Cao Thắng.

Bị cáo Tài không phủ nhận trách nhiệm của mình, nhưng lại nói: "Trách nhiệm tới đâu, tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm.”

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thành Tài cùng 8 đồng phạm gồm Trần Nam Trang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM); Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM); Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, nay là Sở Văn hóa và Thể thao); Lê Tôn Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP); Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP); Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM); Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

Cáo trạng xác định, bị cáo Nguyễn Thành Tài không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước, không là thành viên trong Ban Chỉ đạo 09 của TP nhưng lại là người chấp thuận chủ trương và chỉ đạo giải quyết việc hoán đổi.

Ngày 5/3/2010, bị cáo Tài ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng và nhà đất 57 Cao Thắng; không sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý nhà đất 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất này bị thế chấp dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo khác. Trong đó đáng chú ý, bị cáo Vy Nhật Tảo khai rằng không có việc bị cáo Diệp trao đổi với Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP rằng nhà đất 57 Cao Thắng đã bị thế chấp.

Phía Trung tâm chỉ biết trình trạng thực tế của khối tài sản này sau khi đi làm thủ tục chuyển đổi cho Trung tâm.

Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 19/3./.