Vụ Alibaba lừa đảo: Phải làm rõ trách nhiệm của hàng ngàn nhân viên tư vấn
Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM, Công an tỉnh Đồng Nai và một số địa phương đã lập những tổ công tác chuyên tiếp nhận đơn tố cáo của người dân, hướng dẫn các nạn nhân kê khai thiệt hại và cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc mua đất dự án "ma" của Alibaba.
Nhân viên sale, tư vấn có tiếp tay lừa đảo?
Theo tìm hiểu của phóng viên thì khách hàng đến tố cáo Alibaba đều lo lắng, có người còn thất thần vì số tiền lớn đã đầu tư mua đất mà giờ không biết có lấy lại được hay không, nguy cơ trắng tay, gia đình sẽ rơi vào cảnh khó khăn, nợ chồng chất.
Một số người cho biết trước đó vẫn còn tin tưởng Alibaba sẽ trả lãi, nhưng họ bắt đầu lo lắng thật sự là sau khi hay tin hai anh em Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện bị bắt.
Nạn nhân T. (ngụ TP.Biên Hòa) cho biết, trước đó khoảng 1 năm, nhân viên của Alibaba nhiều lần gọi điện thoại tư vấn, mời gọi đầu tư. Sau vài cuộc gọi, tâm sự tỉ tê của nhân viên sale, đặc biệt là nhân viên cho biết công ty sẽ có hợp đồng cam kết trả lãi "khủng", ông đã tin tưởng rút 400 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư mua một nền đất của Alibaba.
Theo hợp đồng, trong khoảng thời gian chưa có đất giao cho khách, Alibaba sẽ trả lãi suất 2%/tháng.
Mỗi khi khách hàng hoặc lãnh đạo công ty phát biểu thì các nhân viên sale, tư vấn của Alibaba luôn vây quanh vỗ tay, reo hò tạo hiệu ứng nhằm thu hút khách hàng.
Trong thời gian đầu Alibaba trả lãi đúng hẹn, nhưng sau đó kéo dài không trả với nhiều lý do đưa ra từ các nhân viên tư vấn, khiến ông T. bực mình . Điều đáng buồn là ông T. đã tự ý rút tiền tiếc kiệm đầu tư mua đất mà không báo cho vợ con biết, nên giờ đổ bể thì ông cũng không biết nói sao, vì đó là tiền tích cóp của vợ chồng nhiều năm mới có được.
Tương tự là trường hợp của anh D. (ngụ huyện Trảm Bom, tỉnh Đồng Nai), nghe lời nhân viên tư vấn của Alibaba, anh đã đầu tư mua một lô đất nền diện tích 100m2 , giá hơn 900 triệu trong dự án do công ty này lập ra ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch.
Hợp đồng giữa anh D. và Alibaba diễn ra vào tháng 6-2019. Trong hợp đồng Alibaba cam kết mặc dù hiện tại là đất trồng lúa nước, nhưng 18 tháng sau công ty sẽ làm thủ tục chuyển lên thổ cư 100%.
Sau khi đã chồng trước số tiền hơn 600 triệu đồng, anh D. đi tìm hiểu các cơ quan chức năng địa phương thì được biết khu đất mà Alibaba đầu tư bị Nhà nước quy hoạch đất quốc phòng.
Nghĩ rằng đất bị quy hoạch thì sau này có bồi thường cũng không bao nhiêu tiền, không thấm tháp gì với số tiền đã bỏ ra nên anh đến công ty đòi lại tiền thì nhân viên Alibaba từ chối với mọi lý do.
Anh D. cho biết, nhiều người mua đất của Alibaba là do nhóm nhân viên sale dùng mọi cách để dẫn dụ, cam kết, hứa đủ điều nên người dân mới tin lời. Chính vì vậy mà trong quá trình điều tra vụ án, CQĐT cũng nên xem xét trách nhiệm nhân viên sale, tư vấn, vì họ đã có hành vi tiếp tay cho ông chủ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mở nhiều chi nhánh để “giăng lưới” khách hàng
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, Đại tá Nguyễn Văn Thăng, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu khách hàng nào đã mua phải đất nền trong các dự án “ma” của Alibaba mà không đến cơ quan công an tố cáo sẽ mất quyền lợi của mình về sau.
Theo đó, nếu cơ quan chức năng thu hồi được tài sản của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba thì quá trình điều tra làm rõ sẽ xem xét trả lại tiền cho các nạn nhân, nên những người không khai báo sẽ không được chi trả.
Vì khi bị bắt giữ, các tài khoản của Alibaba và cá nhân Luyện, Lĩnh đã bị Bộ Công an phong tỏa, chính vì vậy mà khách hàng nào còn tin tưởng lãnh đạo Alibaba sẽ trả lại tiền đầu tư là điều không thể.
Thông qua Báo CATP, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TPHCM, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục kêu gọi các nạn nhân của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đến trụ sở để tố cáo, giúp cho cơ quan công an sớm hoàn thành công tác điều tra để làm rõ những vi phạm của Alibaba.
Được biết, Bộ Công an cũng đã giao cho công an các địa phương: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận điều tra, xác minh thiệt hại của khách hàng đã mua đất của Alibaba tại địa phương và điều tra hành vi lừa đảo của Alibaba thông qua các công ty con, chi nhánh.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, ngoài việc thành lập 6 chi nhánh và văn phòng tại Đồng Nai (huyện Long Thành 3 điểm; TP.Biên Hòa 3 điểm) để “giăng lưới” khách hàng, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba còn thành lập 8 công ty con tại Đồng Nai để lừa bán đất nền các dự án “ma” trên địa bàn tỉnh.
Những công ty con, gồm: Công ty cổ phần địa ốc Chiến Binh Thép, Công ty cổ phần bất động sản Big Bang, Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp, Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Ali Land, Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Capital, Công ty cổ phần Ali Xanh, Công ty cổ phần địa ốc và đầu tư phát triển 108 (7 công ty này có trụ sở chính tại ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành) và Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali (có trụ sở ở ấp 3, xã Phước Thái, huyện Long Thành).
Danh sách 43 dự án "ma" của Công ty Alibaba.
Đến thời điểm này CQĐT đã xác định được Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã bán 43 dự án “ma” tại 4 tỉnh, thành phố là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, Đồng Nai là nơi mà Alibaba rao bán nhiều dự án nhất, với 29 dự án. Tất cả các dự án Alibaba rao bán thì đều là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông... do cá nhân và hộ gia đình đứng tên.
Điều đáng nói là trong quá trình bị điều tra, chỉ trong vòng 4 tháng trước ngày bị bắt, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã vội vã thành lập 3 văn phòng trái phép tại TP.Biên Hòa để “săn” khách hàng. Cứ văn phòng nào mở ra bị chính quyền địa phương lập biên bản xử lý thì lập tức Alibaba khai trương tiếp văn phòng khác.
Đến ngày 25-9, Bộ Công an đã mời tổng giám đốc, giám đốc của gần 20 công ty con của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đến làm việc. Hầu hết những văn phòng của Alibaba và trụ sở các công ty con thuộc Alibaba tại Đồng Nai đều đã bị công an khám xét, thu giữ hồ sơ để phục vụ cho công tác điều tra.