VPBank sẽ làm gì với hơn 6.400 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu?
3 cá nhân mạnh tay chi hơn 6.400 tỷ đồng mua trọn 164,7 triệu cổ phần VPBank |
Đầu tư cho tương lai
Trước câu hỏi VPBank sẽ làm gì với số tiền hơn 6.400 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, đại diện VPBank cho biết, số tiền này sẽ được sử dụng theo kế hoạch trong nghị quyết của đại hội đồng cổ đông tổ chức tháng Ba vừa qua.
Trước hết, đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ lần này đã giúp VPBank có được nguồn tiền tăng thêm vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II và các tỷ lệ an toàn đối với các đối tác nước ngoài tài trợ vốn khác như IFC và ADB.
“Với việc huy động vốn thông qua phát hành riêng lẻ lần này, VPBank sẽ đảm bảo đủ vốn để đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong vòng 2 năm nữa”, đại diện VPBank cho hay. Thực tế thì ngay sau khi phát hành thành công, VPBank đã ngay lập tức tăng số vốn điều lệ từ 14.059 lên 15.706 tỷ đồng.
Ngoài ra, một phần số tiền huy động còn lại sẽ được sử dụng để đầu tư vào tài sản cố định của Ngân hàng, triển khai các dự án công nghệ lớn trong việc số hóa các quy trình trải nghiệm của khách hàng, tăng cường các nền tảng công nghệ cơ bản có thể đáp ứng được việc mở rộng đối tượng khách hàng cá nhân với số lượng lớn.
“Tổng số tiền dự kiến đầu tư vào các hạng mục củng cố nền tảng công nghệ thông tin, dự án tư vấn chiến lược, mở rộng hoạt động kinh doanh mới trong năm 2017 khoảng 500 tỷ đồng”, đại diện VPBank chia sẻ.
Được biết trong giai đoạn tới, việc phát triển ngân hàng số được xem là một trong những mục tiêu chiến lược của VPBank, giúp Ngân hàng chuyển đổi, tăng trưởng khách hàng và hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, VPBank dự kiến sử dụng 100 tỷ đồng từ nguồn vốn trên để cấp vốn điều lệ bổ sung cho Công ty con của Ngân hàng là Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC) và 100 tỷ đồng khác để mua cổ phần công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh bổ trợ như các bảo hiểm, quản lý quỹ…
5.700 tỷ đồng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20%
Thông tin thêm về kế hoạch sử dụng số tiền có được từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, đại diện VPBank khẳng định: “Số vốn còn lại khoảng 5.700 tỷ đồng sẽ được VPBank sử dụng để bổ sung vào nguồn vốn trung dài hạn phục vụ cho các hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng theo các kế hoạch tăng trưởng tín dụng”.
Theo kết quả kinh doanh vừa được công bố mới đây, trong tháng 7 năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 903 tỷ đồng, nâng lợi nhuận lũy kế hợp nhất lên 4.166 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/7/2017, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt gần 254.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 13,9% và nếu tính cả phần trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu VAMC thì tín dụng tăng trưởng 13,3%, gần chạm mốc 16% do Ngân hàng Nhà nước cấp cho VPBank trong năm 2017.
Đáng chú ý, cuối tháng 8 vừa qua, VPBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 16% lên mức 20%. Như vậy, nguồn vốn trung dài hạn được bổ sung từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ được xem là điểm thuận lợi trước mắt đối với hoạt động tín dụng của Ngân hàng trong giai đoạn cuối năm, được xem là “mùa tăng trưởng tín dụng”.
Mặt khác theo các chuyên gia, việc gia tăng nguồn vốn trung dài hạn là bước đi cần thiết giúp các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn, đảm bảo hạ thấp tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình đã được Ngân hàng Nhà nước quy định. Điều này cũng sẽ giúp các ngân hàng tránh được rủi ro mất cân đối kỳ hạn, đảm bảo an toàn hoạt động.