|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

15:59 | 01/03/2024
Chia sẻ
Trái với sự trầm lắng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2023 đã chứng kiến hai thương vụ lớn. Trong những năm gần đây, hàng loạt nhà đầu tư đã tìm đến lĩnh vực này.

Nhiều thương vụ lớn trong năm 2023

Trong năm 2023, trái với sự trầm lắng của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, ngành bảo hiểm phi nhân thọ cũng chứng kiến nhiều thương vụ lớn, chủ yếu tới từ đối tác Hàn Quốc. 

Ngày 27/2/2024, Bảo hiểm Hàng không (VNI) và Bảo hiểm BSH cùng tổ chức lễ công bố cổ đông chiến lược sở hữu 75% vốn là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc - DB Insurance Co., Ltd (DBI).

Lễ công bố cổ đông chiến lược của BSH. (Ảnh: BSH).

Trước đó, vào tháng 6/2023, nhóm cổ đông của BSH đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 75% cổ phần cho DB Insurance Co., Ltd (DBI) – doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn hàng đầu của Hàn Quốc.

Hồi tháng 3/2023, cổ đông AIC cũng đã thông qua kế hoạch cho DBI nhận chuyển nhượng 75 triệu cổ phần của công ty, tương ứng 75% vốn điều lệ.

Cuối tháng 1/2024, thương vụ giữa DBI và AIC đã hoàn tất, trong khi vào ngày 19/2/2024, 75 triệu cổ phiếu BHI cũng đã về tay DBI. Như vậy, cả AIC và BSH cũng đã trở thành công ty con của DBI. Ngoài ra, công ty bảo hiểm đến từ Hàn Quốc còn nắm giữ 37% cổ phần tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI). 

Trong năm 2023, quỹ Pyn Elite Fund cũng đã mạnh tay mua cổ phiếu của MIC. Đến cuối năm 2023, Pyn Elite Fund đã trở thành cổ đông lớn của công ty với việc sở hữu 13,9 triệu cổ phiếu, tương đương 8,1% vốn điều lệ.

Trong những năm trước, hoạt động M&A trong ngành bảo hiểm cũng đã được hâm nóng với hàng loạt thương vụ lớn. Cụ thể, vào tháng 11/2022, VPBank mua thêm 47,85 triệu cổ phần Bảo hiểm OPES, nâng tỷ lệ sở hữu lên 98% vốn điều lệ. 

Cũng trong quý IV/2022, Tasco chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Groupama Việt Nam và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco. Theo kế hoạch, Tasco dự kiến rót thêm 612 tỷ đồng vào công ty bảo hiểm này.

Điều gì đã thu hút các nhà đầu tư?

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa để phát triển khi theo thống kê của Bộ Tài chính, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (tính bằng phí bảo hiểm/GDP) tại Việt Nam trong năm 2022 chỉ ở mức 2,6%.

Sang năm 2023, do khủng hoảng niềm tin trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ thâm nhập này ước tính đã giảm xuống còn khoảng 2,2% (ước tính dựa trên số liệu GDP năm 2023 là 10,2 triệu tỷ đồng). Tới năm 2025, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 3,5%.

Trong khi đó, theo thống kế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ thâm nhập tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh có thể lên tới 12%. Một số hàng xóm như Singapore, Malaysia cũng ghi nhận tỷ lệ thâm nhập gấp nhiều lần so với Việt Nam.

Trung bình vào năm 2022, một người Việt Nam chỉ chi ra khoảng 2,5 triệu đồng (số liệu ước tính của năm 2023 là 2,3 triệu đồng) cho bảo hiểm mỗi năm. So với năm 2017, phí bảo hiểm bình quân đầu người đã tăng hơn hai lần.

Số liệu năm 2022. 

Trong năm 2023, trong khi doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ giảm 12,5% ước đạt gần 156.000 tỷ đồng, thì lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2,4%, ước đạt 71.100 tỷ đồng.

Hai sản phẩm đóng góp lớn nhất vào doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh thu nhập đi lên và xu hướng giá hóa dân số. 

Với việc thu nhập tăng nhanh, tầng lớp trung lưu tăng lên, nhu cầu di chuyển bằng ô tô có thể trở thành động lực lớn cho phí bảo hiểm xe cơ giới. Theo dữ liệu từ tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA), tại Việt Nam cứ 1.000 người thì có 55 người sở hữu ô tô. Đặc biệt, nước ta có tỷ lệ sở hữu ô tô tăng nhanh nhất thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, tỷ lệ này đã tới 17%/năm.

Về bảo hiểm sức khoẻ, xu hướng già hóa dân số và tầng lớp trung lưu tăng lên đang trở thành động lực cho lĩnh vực này. Trong năm 2023, doanh thu từ hai nhóm bảo hiểm trên có xu hướng chậm lại đáng kể do nền kinh tế suy yếu, tuy nhiên trong những năm trước, tốc độ tăng trưởng trung bình của hai nhóm bảo hiểm này đều trên hai con số.

 

Trung bình trong giai đoạn kể từ 2012 đến 2023, doanh thu phí bảo hiểm của lĩnh vực phi nhân thọ đã tăng trưởng 11%, so với 22% của bảo hiểm nhân thọ. Mặc dù có tốc độ phát triển cao hơn so với phi nhân thọ, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đang là sân chơi của Bảo Việt và các doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh như Prudential, Dai-ichi Life, Manulife, Sun Life hay MB Ageas ...

Ngược lại, các công ty niêm yết thuộc lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đa số lại xuất phát từ quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, phần lớn cổ phiếu các công ty này thường nằm trong các cổ đông lớn (nắm trên 5% vốn điều lệ), giúp đối tác ngoại dễ đàm phán, thâu tóm doanh nghiệp.

Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài có đủ điều kiện, năng lực có thể dễ dàng nắm giữ đa số cổ phần, tránh mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn (như trong trường hợp của VNI và BSH).

Minh Quang