|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bên trong đội ngũ kinh tế của Trump: Tranh cãi về cây gậy hay củ cà rốt

08:20 | 23/11/2016
Chia sẻ
Đội ngũ cố vấn kinh tế của Donald Trump chia thành hai nhóm chính liên quan đến một câu hỏi cơ bản: kinh tế sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách “nhiều cà rốt hơn” hay “nhiều gậy hơn”.
ben trong doi ngu kinh te cua trump tranh cai ve cay gay hay cu ca rot
Donald Trump nói về kế hoạch kinh tế trong một chiến dịch tranh cử ở Detroit hồi tháng 8/2016. Ảnh: Bloomberg

Trump đắc cử cùng với một đội ngũ cố vấn nhỏ có quan điểm bất đồng về nhiều mặt, chủ yếu là về chính sách thương mại, vấn đề được ông coi là điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử. Các quyết định bổ nhiệm nhân sự trong vài tuần tới sẽ tiết lộ phe nào thắng thế.

Một nhóm, ưu thế tăng dần trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử, phần lớn bác bỏ tư duy kinh tế truyền thống về thương mại và tin rằng loại bỏ thâm hụt thương mại là mục tiêu chung trong chính sách của Mỹ.

Nhóm này cho rằng “cây gậy”, tức áp thuế lên các đối tác thương mại của Mỹ và các công ty đưa việc làm ra nước ngoài, là công cụ quan trọng để đảo chiều đà thu nhập giảm suốt 15 năm qua trong giới trung lưu Mỹ.

Nhóm phản đối gồm nhiều nhân viên làm chính sách kỳ cựu và đang cố vấn cho phó tổng thống Mỹ đắc cử Mike Pence, nghiêng về quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa đối với thuế và các quy định. Nhóm này từ lâu đã ủng hộ nền kinh tế sản xuất hàng hóa, bác bỏ quan điểm bảo thủ về thương mại cho rằng một bên được thì có một bên mất.

Bằng cách tạo thêm “cà rốt”, giảm bớt thủ tục và thuế, biến Mỹ thành điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp, họ tin rằng tăng trưởng mạnh mẽ hơn sẽ giúp tránh mọi nhu cầu bảo hộ thương mại.

“Đây là cuộc đấu giữa quan điểm ‘sản xuất hàng hóa’ với ‘kẻ được, người mất’”, Andy Laperriere, nhà chiến lược chính trị tại công ty nghiên cứu Cornerstone Macro LP, chuyên theo dõi sát sao các diễn biến về chính sách, nói.

Nhóm thứ ba, chủ yếu là các đối tác kinh doanh của ông Trump, không có tư tưởng gì đặc biệt.

Câu hỏi được đặt ra là ông Trump sẽ chọn hướng đi nào. Trump cho rằng những thỏa thuận thương mại yếu kém đã khiến Mỹ mất việc làm, hứa tái đàm phán và có thể rời khỏi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) ký năm 1994 với Canada và Mexico. Ông gọi đây là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất “không nên được ký dù ở bất cứ đâu”.

Ông mô tả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoàn thành năm 2015 nhưng chưa được Mỹ thông qua, là “tiếp tục cưỡng đoạt với quốc gia của chúng ta”.

Là thống đốc bang Indiana, Pence từng ủng hộ TPP nhưng nhanh chóng rút lại quan điểm này với TPP và nhiều thỏa thuận thương mại tự do trước đó sau khi ông được Trump chọn làm ứng viên phó tổng thống cùng ra tranh cử.

David Malpass, chuyên gia kinh tế phụ trách các danh mục về kinh tế cho quá trình chuyển tiếp quyền lực, từ chối bình luận. Các cố vấn khác từ chối bàn về xu hướng.

“Điều chúng tôi đang chứng kiến là một nhóm người rất có trật tự đang làm việc thay cho người dân Mỹ”, Anthony Scaramucci, thành viên ủy ban điều hành nhóm chuyển tiếp quyền lực, quản lý công ty SkyBridge Capital, trả lời báo giới tại New York hôm 17/11.

Những vị trí bổ nhiệm chiến lược không chỉ ở cấp nội các trong Bộ Thương mại và Tài chính mà có thế có vai trò ảnh hưởng như giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia và chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế.

Dựa vào đó có thể định hình mức độ Trump quản lý chính phủ theo hướng truyền thống hơn, tập trung vào giảm thuế và thủ tục, hay áp thuế lên các đối tác thương mại của Mỹ và các công ty đưa việc làm ra nước ngoài. Cho đến nay, sự đồng thuận giữa hai nhóm cố vấn về cần giảm thuế và thủ tục lại khiến họ bất đồng nhiều hơn về thương mại.

“Sẽ có một hành động cân bằng”, Stephen Moore, cố vấn kinh tế hàng đầu trong chiến dịch về thuế, người bất đồng với Trump về thương mại, nói. “Sẽ có một số bất đồng trong chính quyền rằng cần ưu tiên điều gì… Tôi không biết mọi chuyện sẽ kết thúc thế nào”.

Cả hai nhóm đều cho rằng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Alabama Jeff Sessions, ủng hộ thắt chặt thương mại và nhập cư, đã trở thành cố vấn có ảnh hưởng nhất đến Trump trong kinh tế. Trump ngày 18/11 nói sẽ bổ nhiệm Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp còn cựu trợ lý cấp cao, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Stephen Miller làm giám đốc chính sách quốc gia.

Trong những tuần cuối tranh cử, các bài phát biểu của Trump phản ánh quan điểm của những cố vấn có cái nhìn hoài nghi sâu sắc về các thỏa thuận thương mại, bao gồm nhà kinh tế Peter Navarro, chuyên gia tài chính Wilbur Ross và giám đốc điều hành ngành thép Dan Dimicco. Ba người này đều đang được cân nhắc bổ nhiệm vào những vị trí hàng đầu trong chính quyền Trump.

Navarro, giáo sư đại học California, thành phố Irvine, từng viết một số cuốn sách chỉ trích mạnh mẽ hoạt động thương mại và lao động của Trung Quốc. Nhờ một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Navarro biết Trump là người hâm mộ các tác phẩm của ông và hai người bắt đầu trao đổi với nhau từ vài năm trước. Navarro trở thành cố vấn cho Trump trong năm nay dù ông và Trump chưa gặp nhau lần nào trước tháng 9.

Laperriere nói thị trường vẫn chưa xem xét nghiêm túc quan điểm cứng rắn của Trump về thương mại, cho rằng thâm hụt thương mại là lấy cắp. Trong khi Nhà Trắng cần phải được quốc hội thông qua để giảm thuế, Trump lại có quyền hạn lớn cho phép đơn phương thay đổi chính sách thương mại.

Về hàng loạt vấn đề chính sách khác, Trump tỏ vẻ quan điểm của ông ấy “có thể dễ dàng suy ra”, Laperriere nói. “Ngược lai, sức thuyết phục của ông ấy về thương mại có vẻ mạnh”.

Lawrence Kudlow, bình luận viên của CNBC từng cố vấn cho Trump về thuế hồi đầu năm, chỉ trích cách dùng thâm hụt thương mại để ghi điểm dù Mỹ đang thắng hay thua trong thương mại.

“Peter Navarro, một người bạn, sai rồi”, ông viết trên Twitter. Thâm hụt thương mại đơn giản chỉ phản ánh dòng chảy vốn và không loại bỏ lợi ích kinh tế. Kudlow cho biết thông qua giảm thuế cho doanh nghiệp lớn và nhỏ, “họ sẽ không rời đi”, Kudlow nói với Pence trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh trước ngày bầu cử. “Câu trả lời của tôi là ông hoàn toàn đúng”, Pence đáp lại.

Quốc Thiên