Vốn hóa 'bay' gần 16.200 tỉ đồng và nỗi niềm tăng vốn của VietinBank
HSC ước tính VietinBank sẽ lỗ khoảng 765 tỉ đồng trong quí IV | |
Sau ĐHCĐ bất thường, vốn hóa VietinBank giảm hơn 6.300 tỉ đồng, hết tình trạng ‘cạn room’ khối ngoại |
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Nguồn: VietinBank) |
Vốn hóa Vietinbank "bốc hơi" gần 16.800 tỉ đồng từ sau đại hội bất thường
Từ sau đại hội cổ đông bất thường ngày 8/12, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) đã liên tục lao dốc.
Ước tính từ ngày 7 đến 25/12, thị giá CTG giảm hơn 18%, vốn hóa thị trường bốc hơi gần 16.200 tỉ đồng.
Diễn biến cổ phiếu CTG trong 3 tháng trở lại đây (Nguồn: VnDirect) |
Đi cùng với kế hoạch kinh doanh năm 2018 thấp ngoài dự kiến, một yếu tố khác cũng khiến thị trường băn khoăn là về kế hoạch tăng vốn của VietinBank.
Được biết, gần 5 năm trở lại đây, vốn điều lệ của VietinBank đã không tăng trong khi tổng tài sản tính đến ngày 30/9 đã gấp hơn 2 lần so với thời điểm cuối 2013.
VietinBank là một trong 10 ngân hàng thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn Basel II từ đầu năm 2019 và một trong những vấn đề cấp thiết đầu tiên của hiệp ước này là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Để tăng CAR đòi hỏi ngân hàng phải tăng vốn và giảm tỉ lệ tài sản rủi ro.
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định, hiện hệ số CAR của VietinBank vẫn còn thấp so với các ngân hàng khác và ước tính ngân hàng sẽ cần phải tăng vốn thêm khoảng 20%, tương đương khoảng 7.500 tỷ đồng trong hai năm tới.
Bên cạnh đó, định giá của VietinBank hiện thấp hơn so với hầu hết ngân hàng khác. Kế hoạch tăng vốn đã được chờ đợi từ lâu vẫn chưa có triển vọng gì rõ ràng, cùng với những chi phí phát sinh cho xử lý nợ xấu tồn đọng, định giá của VietinBank dự báo tiếp tục thấp hơn bình quân ngành.
Tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu VietinBank kể từ 31/12/2013 - 30/9/2018 (Đvt: Tỉ đồng, Nguồn: Báo cáo tài chính VietinBank) |
Các nguồn lực để tăng vốn của VietinBank đã được khai thác ở mức tới hạn
Trong ĐHCĐ bất thường vừa qua, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết nâng cao năng lực tài chính luôn nhiệm vụ hàng đầu của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các nguồn lực để VietinBank tăng vốn tự có, vốn điều lệ đều đã được khai thác ở mức tới hạn.
Theo đó, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại VietinBank đang ở mức 64,46%, đây là mức thấp nhất mà được chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại VietinBank là 30% cũng luôn trong trạng thái “đầy ắp”.
Về khả năng phát hành trái phiếu để tăng vốn, theo Chủ tịch VietinBank, dư địa tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu của ngân hàng chỉ còn khoảng 600 – 700 tỉ đồng.
Còn về trái phiếu chuyển đổi, ông Thọ cho biết, với tỉ lệ sở hữu của nhà nước ở mức tối thiểu như hiện tại thì chưa có cơ sở để VietinBank phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank (Nguồn: VietinBank) |
“Tất cả giới hạn này cho đến nay đã được chúng tôi khai thác đến mức tới hạn. Và các biện pháp tăng vốn tới đây sẽ được thực hiện thông qua việc tăng vốn từ các cổ đông qua việc đề xuất với các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước để có thể xem xét giữ lại cổ tức hàng năm…”, ông Thọ chia sẻ.
Dưới góc độ của tổ chức tư vấn, đánh giá về khả năng tăng vốn của VietinBank, HSC nhận định nhà băng này vẫn có thể tăng vốn cấp 2 nhưng việc này hiện đã trở nên khó khăn hơn. Do đó, ngân hàng cần tăng vốn cấp 1.
Tuy nhiên, vì room khối ngoại đã đầy và tỉ lệ sở hữu nhà nước hiện là 64,46% (đã thấp hơn mức tối thiểu là 65%), đây sẽ là vấn đề khá phức tạp. Bởi, theo quyết định 986 của Thủ tướng chính phủ về chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, quy định tỷ lệ sở hữu tối thiểu của nhà nước tại các Ngân hàng TMCP có vốn nhà nước sẽ là 51% trong giai đoạn 2021 - 2025, còn trong thời gian trước đó vẫn là 65%.
Theo HSC, với việc khó khăn trong kế hoạch tăng vốn, VietinBank sẽ phải hạn chế tăng trưởng tín dụng để giữ được hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) trong phạm vi cho phép. Do đó, tài sản và tín dụng của ngân hàng sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 10%, thấp hơn nhiều mức bình quân ngành là 15 - 17%.
Tăng vốn cấp 1 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận?
Khi các nguồn lực khác ở mức tới hạn, con đường tăng vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận được xem là phương án cuối cùng của VietinBank.
Tuy nhiên, đã nhiều năm phương án này chưa được xét duyệt bởi cổ đông lớn Nhà nước, do đó VietinBank có thật sự lập được kì tích hay không phụ thuộc khá nhiều vào quyết định của Bộ Tài Chính.
Tại ĐHCĐ bất thường vừa qua, cổ đông VietinBank cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 ngoại trừ kế hoạch chia cổ tức. Theo đó, mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quĩ của ngân hàng là hơn 4.035 tỉ đồng.
Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề cổ tức 2017, ông Thọ cho biết, VietinBank đang đề xuất với NHNN với Bộ Tài chính cho phép ngân hàng giữ lại cổ tức hàng năm, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thậm chí là chia một phần cổ tức bằng tiền mặt, một phần cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng qui mô vốn tự có. Và hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang tiếp tục xử lí đề xuất của VietinBank.
Ông Thọ cũng nhấn mạnh “việc tăng vốn, tăng năng lực tài chính là một vấn đề trọng tâm và cấp bách của VietinBank. Do đó, VietinBank đang tích cực hoàn thiện và đề xuất để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phê chuẩn kế hoạch tăng vốn của VietinBank”
Nếu VietinBank không phải trả cổ tức tiền mặt, vốn chủ sở hữu của nhà băng này sẽ có thể tăng thêm 4.035 tỉ đồng từ phần lợi nhuận năm 2017 chưa phân phối (tương ứng với mức tăng 6,36%).
Còn trong trường hợp VietinBank phải trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 7% (tỉ lệ được VietinBank áp dụng trong các năm 2015 và 2016), tổng số tiền ngân hàng sẽ phải chi trả cổ tức là 2.646 tỷ đồng (tương đương 39,4% lợi nhuận năm 2017) và phần lợi nhuận còn lại chỉ là 1.389 tỉ đồng và giúp tăng vốn chủ sở hữu 2,19%.