|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Với người khởi nghiệp, đôi khi người thân, bạn bè là trở ngại lớn nhất'

14:33 | 01/03/2018
Chia sẻ
Một kỹ sư lâm nghiệp kinh doanh đồ nội thất kể rằng người thân và bạn bè là những người cản trở anh quyết liệt nhất khi anh muốn huy động vốn để kinh doanh.

Tốt nghiệp Đại học Lâm Nghiệp năm 2005, anh Phạm Ngọc Hưng công tác tại công ty SIMCO Sông Đà thuộc Tổng công ty Sông Đà. Khi mới vào công ty, anh nhận nhiệm vụ khảo sát và lập báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy gia công vật liệu từ gỗ để phục vụ cho sản xuất nội thất như ván ghép thanh, ván MDF, ván dán, ván dăm. Sau khi lập xong báo cáo và dự án, bảo vệ xong dự án, công ty nhận giấy phép xây dựng. Nhưng thật không may, nhà máy không được xây dựng vì ban lãnh đạo công ty nhận định mảng xây dựng là kênh đầu tư hiệu quả hơn.

"Đến bây giờ tôi vẫn tiếc, vì nếu ngày ấy nhà máy được thi công thì bây giờ chắc chắn nó đã thành công, bởi vài năm sau đó ngành nội thất bùng nổ", Hưng tâm sự.

vo i nguo i kho i nghie p doi khi nguo i than ba n be la tro nga i lo n nha t
Các đồ nội thất trong phòng ngủ của Kithome Việt Nam. Ảnh: Kithome Việt Nam

Dự án xây dựng nhà máy gia công vật liệu từ gỗ sụp đổ, Hưng chuyển sang Xí nghiệp xây dựng với tâm trạng chán nản, nhưng công việc mới lại đưa anh tới con đường phù hợp hơn. Khi thi công nhà dân dụng (nhà thấp tầng, nhà cao tầng, chung cư), dù trái ngành nhưng anh nhanh chóng học hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức từ những người giàu kinh nghiệm.

"Hồi ấy ngành bất động sản bùng nổ, sẵn có nghề chế biến gỗ, tôi học hỏi và phát huy tối đa hiểu biết về ngành", Hưng kể.

Kinh nghiệm thực tế giúp Hưng nhận thấy khách hàng không thể thay đổi phần thô (phần xây lắp) của các công trình sau khi chủ đầu tư duyệt thiết kế. Do đó chủ nhân của các ngôi nhà, căn hộ chỉ còn phần nội thất bên trong để thể hiện bản sắc và phong cách riêng.

"Đó là phát hiện khiến tôi quyết định chuyển sang mảng nội thất sau 4 năm gắn bó với Tổng công ty Sông Đà và nghề thi công, xây lắp", anh nói.

Vào năm thứ ba làm việc ở Tổng công ty Sông Đà, Hưng bắt đầu nghiên cứu thị trường và sản phẩm. Anh nhận thấy một số điểm thuận lợi.

"Lúc đó các khu đô thị mọc lên như nấm. Người dân mất đất nhận những khoản đền bù khổng lồ. Chủ các dự án nhà xây công trình đến đâu bán hết tới đó. Số lượng sinh viên về Hà Nội học rồi ở lại để lập nghiệp ngày càng tăng, các khu đô thị cũng liên tục mọc lên. Vì thế tôi đoán thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn trong vài năm tiếp theo", Hưng kể.

vo i nguo i kho i nghie p doi khi nguo i than ba n be la tro nga i lo n nha t
Nhân viên của công ty Kithome Việt Nam lắp đồ nội thất cho khách hàng. Ảnh: Kithome Việt Nam

Đương nhiên, Hưng cũng phát hiện hàng trăm đối thủ cạnh tranh (các xưởng mộc), nhưng anh thấy họ không phải là mối đe dọa lớn.

"Rất nhiều xưởng mộc đang hoạt động quanh Hà Nội, tập trung nhiều ở Phúc Thọ, Thường Tín, Thạch Thất, Bắc Ninh. Nhưng phần lớn họ làm theo mẫu phổ thông không có thiết kế, không có chất liệu mới. Phần lớn họ là hộ làm nghề truyền thống, trong khi tôi sản xuất nội thất theo phong cách hiện đại nên tôi không lo ngại", Hưng giải thích.

Nghiên cứu xong, Hưng vấp ngay trở ngại đầu tiên: Anh cần khoản vốn lớn để đầu tư máy, thiết bị. Vì lương thấp, làm thuê chỉ vài năm nên anh không có khoản tích lũy đủ lớn. Vì thế, chàng kỹ sư lâm nghiệp xin trình hồ sơ lên "sếp" để xin đầu tư, nhưng "sếp" từ chối. Anh gọi bạn bè góp vốn, nhưng không ai tham gia.

"Họ khuyên tôi không nên tự kinh doanh vì tôi còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm", anh kể.

Gia đình, họ hàng là hy vọng cuối cùng của Hưng. Nhưng anh cũng nhận kết quả tương tự.

"Mọi người nói tôi quá may mắn khi có việc làm trong công ty nhà nước, về hưu có lương, vì thế khuyên tôi không nên mạo hiểm kinh doanh. Chán nản, tôi rời quê ra Hà Nội. Lúc ấy tôi nhận thấy trở ngại lớn nhất của người khởi nghiệp là gia đình và bạn bè", anh nói.

vo i nguo i kho i nghie p doi khi nguo i than ba n be la tro nga i lo n nha t
Đồ nội thất trong phòng khách của Kithome Việt Nam. Ảnh: Kithome Việt Nam

Không có tiền, Hưng lập kế hoạch tiết kiệm, tới các xưởng nội thất, làng nghề để tìm hiểu chi phí liên quan tới đặt hàng theo mẫu thiết kế, mua vật liệu. Sau đó anh liên kết với một xưởng nhỏ ở một làng nghề để thử nghiệm.

"Hồi ấy phòng làm việc của tôi ở Tổng công ty Sông Đà là nơi các sếp hay ghé qua. Khách hàng mua nhà cũng hay qua phòng làm việc của tôi để hỏi han tiến độ dự án. Tôi đã quyết định bỏ tiền để đóng hệ thống kệ, tap trang trí phòng. Tôi tự thiết kế, đặt hàng, bỏ tiền, dùng vật liệu mới để tặng bạn bè giá sách, kệ cùng nhiều món đồ khác", anh tiết lộ.

Cuối cùng cơ duyên cũng đến. Một sếp trong công ty hoàn thiện giao cho Hưng phụ trách toàn bộ khâu thiết kế nội thất cho nhà riêng của ông. Sau thương vụ đó, Hưng có chút vốn và sự tự tin để thôi việc ở công ty và tự kinh doanh.

*Còn nữa

Kim Cương