|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNPT xin thành lập Tổng công ty về công nghệ thông tin

09:04 | 16/11/2016
Chia sẻ
Trong định hướng phát triển trong thời gian tới, VNPT sẽ tái cấu trúc khối CNTT theo hướng xây dựng một đơn vị mạnh, tập trung tại Tập đoàn để phát huy các nguồn lực và phát triển mảng dịch vụ CNTT.
vnpt xin thanh lap tong cong ty ve cong nghe thong tin

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015 vào ngày 14/11/2016, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho hay, định hướng phát triển trong thời gian tới, VNPT sẽ tái cấu trúc khối CNTT theo hướng xây dựng một đơn vị mạnh, tập trung tại Tập đoàn để phát huy các nguồn lực và phát triển mảng dịch vụ CNTT. “Đơn vị này sẽ trực thuộc Tập đoàn giống như VNPT-Net hiện nay”, ông Long nói.

Khi thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 1, VNPT có thành lập Trung tâm VNPT Soft trực thuộc Tổng công ty VNPT-VinaPhone để phát triển mảng dịch vụ CNTT. Sở dĩ VNPT chưa trình phương án thành lập một đơn vị riêng về CNTT vì vào thời điểm bắt tay vào triển khai tái cơ cấu, VNPT chưa cung cấp dịch vụ CNTT, mảng dịch vụ CNTT hồi đó hầu như chưa có gì. “Hồi đó, VNPT là tập đoàn viễn thông trừ CNTT”, ông Long nhấn mạnh. Tuy nhiên, sau hai năm tái cấu trúc, lĩnh vực CNTT của VNPT đã phát triển nhanh và mạnh ở nhiều lĩnh vực.

Chỉ trong vòng hai năm, VNPT đã phát triển và triển khai cung cấp các phần mềm ứng dụng cho Chính phủ, cho các bộ ngành và đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần dịch vụ chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, chữ ký số… VNPT chiếm khoảng 50% thị phần nhiều dịch vụ CNTT. Dịch vụ nội dung trước đây hoàn toàn do các đối tác cung cấp, sau khi tái cơ cấu, các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung đã chủ động phát triển và làm chủ nhiều dịch vụ như: tương tác truyền hình, nhạc chuông chờ, “VNPT sẽ báo cáo Bộ TT&TT để trình Chính phủ cho VNPT thành lập một Tổng công ty chuyên phát triển và cung cấp dịch vụ CNTT trực thuộc Tập đoàn”, ông Long cho hay

Trong chiến lược phát triển, VNPT cũng sẽ xây dựng, ban hành và triển khai chiến lược VNPT 3.0 chuyển VNPT từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thành nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ.

Trong lĩnh vực CNTT, VNPT sẽ đẩy mạnh hoạt động phát triển, kinh doanh các sản phẩm CNTT trong các lĩnh vực: Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, tài nguyên, môi trường, giao thông… Đặc biệt tham gia triển khai xây dựng các thành phố thông minh.

Ông Lê Nhân Thử, Giám đốc VNPT Thanh Hóa cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ CNTT là định hướng chính xác và VNPT cần tập trung để tìm biện pháp và nguồn lực. Theo ông Thử, trên thực tế VNPT đã đi chậm một bước so với nhiều doanh nghiệp khác về việc cung cấp dịch vụ CNTT. Ví dụ, tại Thanh Hoa là tỉnh nằm trong Top 10 về chỉ số ứng dụng CNTT thì các phần mềm, giải pháp được triển khai tại tỉnh như: y tế, chính phủ điện tử phần lớn các doanh nghiệp khác đã làm. Khi VNPT bắt đầu triển khai, tại tất cả các đơn vị VNPT Thanh Hóa đến tư vấn, họ đã thẳng thắn nói: “Các anh cứ trình bày nếu hơn cái chúng tôi đang có thì chúng tôi sẽ xem xét”.

Tuy nhiên, thị trường CNTT cũng vẫn còn nhiều tiềm năng. Thời gian qua, VNPT Thanh Hóa đã chủ động xin tỉnh cho làm dịch vụ tại tất cả các xã, phường, hiện đã cung cấp nhiều phần mềm ứng dụng tại hơn 300 xã. Cấp xã sẽ là thị trường chính của VNPT Thanh Hóa, vấn đề là VNPT có đáp ứng được các dịch vụ theo nhu cầu hay không.

Khi chuyển dịch sang triển khai cung cấp dịch vụ CNTT, một vấn đề đặt ra là VNPT sẽ phải chuyển đổi trình độ lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực về CNTT. Trong thời gian qua, VNPT Thanh Hóa đã ký hợp đồng với Đại học Hồng Đức để đào tạo 2 lớp về quản trị mạng cho các kỹ sư viễn thông, dự kiến đến năm 2017 sẽ có hàng trăm kỹ sư viễn thông của VNPT Thanh Hóa được đào tạo về CNTT.

Ông Thử kiến nghị, Tập đoàn cần quan tâm đến đào tạo nhân lực về CNTT và tăng kinh phí đào tạo cho các đơn vị. Cần phải định nghĩa lại nội dung công việc cho đội ngũ nhân lực hiện có cho phù hợp với yêu cầu công việc, yêu cầu của khách hàng. Mỗi một nhân viên kinh doanh phải là một nhà tư vấn dịch vụ bán hàng.

Đồng ý với kiến nghị này, ông Phạm Đức Long cũng cho rằng, khâu đào tạo chuyển hệ nguồn nhân lực của VNPT cũng bị chậm, sắp tới nguồn nhân lực viễn thông sẽ bị giảm khoảng 18-20% trong thời gian tới, trong khi nhu cầu nguồn nhân lực CNTT lại càng tăng cao khi VNPT chuyển dịch sang cung cấp dịch vụ và giải pháp CNTT. Do đó, việc đào tạo về CNTT cho các kỹ sư viễn thông của VNPT sẽ là nhiệm vụ mà Tập đoàn và các đơn vị chú trọng trong thời gian tới.

Khôi Nguyên