|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index đảo chiều chóng vánh, NĐT nên làm gì nếu ‘lỡ nhịp’?

19:35 | 19/08/2024
Chia sẻ
Tiếp tục phiên bùng nổ theo đà cuối tuần trước đó, thị trường vẫn động tích cực trong ngày đầu tuần hôm nay (19/8). Với diễn biến này, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi nên hành động ra sao nếu “nhỡ sóng”.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. Ảnh chụp màn hình.

Bình luận về diễn biến thị trường trong ngắn hạn, trên chương trình Khớp lệnh do VTV tổ chức, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng thị trường trong nước đang được hỗ trợ bởi những thông tin về thị trường chứng khoán quốc tế và việc dòng tiền ngoại quay trở lại mua ròng.

Trong phiên thứ Sáu tuần trước (16/8), thị trường có một phiên tăng mạnh đi kèm thanh khoản lớn, vị chuyên gia của VPBankS đánh giá về tín hiệu xác nhận bùng nổ theo đà và thị trường trở lại xu hướng tăng điểm.

Theo lý thuyết, phiên bùng nổ theo đà là ngày đánh đấu sự bắt đầu của một xu hướng mới trên thị trường, chuyển từ giai đoạn giảm giá sang tăng giá và cần xác nhận của các yếu tố như tăng giá biên độ lớn, khối lượng giao dịch tăng mạnh, xác nhận từ chỉ số và thời điểm quan trọng sau giai đoạn giảm.

Về đường đi của VN-Index, ông Sơn cho biết, trong năm nay, chỉ số vẫn lình xình (sideway) trong một biên độ rộng. Từ năm 2022 tới nay, thị trường vẫn đang trong xu hướng đi lên với biên độ rộng. “Mỗi khi thị trường điều chỉnh giảm 6 – 10% đều tạo ra cơ hội mới. Tất cả các đáy gần đây đều củng cố tín hiệu đó”.

Thị trường đang trong pha lình xình đi lên (sideway – up), do đó, chuyên gia VPBankS cho rằng chiến lược quay trở lại mua những nhóm ngành mạnh nhưng định giá không quá cao hoặc nền giá cao sẽ phù hợp hơn với những nhà đầu tư xoay chuyển tâm lý chưa kịp hay “hơi chậm một chút” so với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, bám bảng.

Cụ thể, chiến lược hiện tại là nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu lấy được những đường MA quan trọng ví dụ đường MA 20 ngày, đương MA 50 ngày và có tín hiệu tạo đáy rõ ràng.

Nếu kết hợp thêm yếu tố cơ bản, vị chuyên gia này cho biết, những doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận quý II hay 6 tháng so với cùng kỳ năm trước, giá cổ phiếu chiết khấu 15 – 20% so với đỉnh giai đoạn vừa qua, bắt đầu có tín hiệu tạo đáy xong sẽ cho tín hiệu mua yên tâm hơn trong giai đoạn này.

Bối cảnh thị trường biểu hiện tích cực với sự đi lên của điểm số lẫn thanh khoản, tuy nhiên Giám đốc Chiến lược đầu tư của VPBankS vẫn lưu ý với nhà đầu tư về vùng kháng cự trong ngắn hạn là 1.280 – 1.300 điểm. Đây là vùng ẩn chứa thanh khoản lớn và thị trường cần kiểm nghiệm vùng này trong khoảng 1 – 2 tuần tới.

Diễn biến của VN-Index. Nguồn: VPBankS.

Xét về thanh khoản thị trường, tín hiệu cạn kiệt biểu hiện những tuần trước đó và khối lượng giao dịch đã phục hồi cùng với điểm số trong ngắn hạn. Ở giai đoạn hiện tại, thanh khoản dàn đều ở các nhóm ngành. So sánh trong sóng tăng giá đầu năm, thanh khoản của nhóm ngân hàng thường rất lớn, chiếm khoảng 20 – 25% toàn thị trường, nhưng thời điểm hiện tại, tỷ lệ này khoảng 18%. Thanh khoản còn lại dàn đều cho các nhóm như bất động sản, bán lẻ, hóa chất hay dầu khí.

Ông Trần Hoàng Sơn bình luận đà tăng giá tốt của nhóm hóa chất hay dầu khí có thể thấy nhà đầu tư đang đi theo những câu chuyện riêng. Ví dụ, hóa chất có tốc độ tăng trưởng cao với nền thấp giai đoạn trước đó. Nhóm dầu khí cũng có sự phục hồi lợi nhuận.

Ngoài ra, trong chương trình này, Giám đốc Chiến lược đầu tư của VPBankS còn đưa ra những phân tích cá nhân về nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép, đầu tư công.

Song, một chiến lược hành động thận trọng khoa học thời điểm này được vị chuyên gia nhấn mạnh nhiều lần với nhà đầu tư. “Với yếu tố về mặt kỹ thuật như vậy, tôi nghĩ không nên đua bất kỳ cổ phiếu nào trong giai đoạn này, không nên nóng lòng mua đuổi mà chúng ta tĩnh tâm chọn lọc danh mục tốt và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái để đầu tư”, ông Sơn khuyến nghị.

Hoàng Linh