|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vietnamobile than bị đối xử không công bằng

22:19 | 26/02/2019
Chia sẻ
Đại diện nhà mạng đề xuất chỉ khống chế giá cước trung bình với doanh nghiệp có thị phần lớn, không áp dụng với Vietnamobile. 
vietnamobile than bi doi xu khong cong bang Vietnamobile và giấc mơ màu cam

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Di động Vietnammobile, Fong Chong Mei Elizabete vừa có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong đó chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong những năm đầu tư tại Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay.

Vietnamobile tiền thân là mạng HT Mobile ra đời từ tháng 1/2007 với công nghệ CDMA. Theo đại diện nhà mạng, thời điểm đó do bất cập trong quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện và chiến lược phổ cập công nghệ CDMA tại Việt Nam nên doanh nghiệp lựa chọn công nghệ này. Tuy nhiên, công nghệ CDMA thất bại hoàn toàn tại Việt Nam, không sử dụng được nữa khiến nhà mạng phải đầu tư các thiết bị, hạ tầng và hệ thống cho công nghệ GSM phủ sóng toàn quốc khiến doanh nghiệp thiệt hại gần 2 tỷ USD.

Sau khi chuyển đổi sang hình thức đầu tư, Vietnammobile đã phủ sóng tới 91,3% dân số (2G), 81,3% dân số 3G và đã phủ sóng 4G tại 37 tỉnh, thành. Hiện doanh nghiệp có 7.345 trạm thu phát, được đầu tư với tổng số tiền gần 28.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện nhà mạng này cho biết mạng Vietnammobile tiếp tục đang đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu bởi những chính sách "bất công bằng" và "độc quyền" trong cạnh tranh.

vietnamobile than bi doi xu khong cong bang
Một bộ hoà mạng của Vietnamobile khi tung ra thị trường từng bị tuýt còi vì bị cho rằng vi phạm về quản lý giá cước viễn thông. Ảnh: VNM

Cụ thể, về chính sách quản lý thị trường viễn thông, đơn vị này đề xuất được phân bổ thêm băng tần 850 MHz để tạo sự cạnh tranh cho thị trường thông tin di động. Bên cạnh đó, nhà mạng kiến nghị có chính sách hợp lý, thỏa đáng trong đấu thầu tần số 2.600 MHz đề các doanh nghiệp viễn thông nhỏ có cơ hội sử dụng băng tần này. Công ty cũng kỳ vọng có sự chỉ đạo, định hướng để Vietnammobile được thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1800 MHz và 2.100 MHz với các nhà mạng hiện có để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số. Tuy nhiên, đại diện Vietnammobile cho biết đã có 5 công văn gửi các bộ, ngành liên quan về nội dung này nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nhà mạng cũng có những đề xuất về chính sách quản lý thị trường viễn thông. Vietnammobile cho rằng hiện ngoài Viettel là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì 2 nhà mạng khác là VinaPhone, MobiFone cũng đều có số thuê bao gấp 8 lần đơn vị này mà vẫn được hưởng chính sách bảo hộ.

Về giá cước trung bình trên thị trường viễn thông, đại diện Vietnamobile cho rằng 3 doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, MobiFone, VinaPhone đã thỏa thuận các nhà mạng lớn không được bán thấp hơn 50.000 đồng mỗi tháng cho mỗi gói cước di động. Các doanh nghiệp thị phần nhỏ chỉ được phép bán thấp hơn 5%.

"Chúng tôi cho rằng việc các doanh nghiệp lớn tự bàn bạc và thỏa thuận với nhau, áp đặt mức giá bán tối thiểu để 'cưỡng bức', nhằm tiêu diệt các doanh nghiệp nhỏ là không phù hợp quy định của Luật cạnh tranh, làm méo mó thị trường", đại diện Vietnamobile nhận định.

Nhà mạng đề xuất, cần làm rõ hơn các khái niệm giá cước trung bình và giá thành, song chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp viễn thông được chủ động xây dựng gói cước viễn thông phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh. Ngoài ra, cần có sự phân loại tỷ lệ bán thấp hơn cho từng đối tượng doanh nghiệp viễn thông có thị phần khác nhau, trong đó doanh nghiệp thị phần nhỏ thì được phép bán gói cước với mức thấp hơn tương ứng thị phần.

Trước đó, trong năm 2018, Vietnamobile từng tung một chương trình với hoà mạng với tên gọi "Thánh SIM", hoàn toàn miễn phí dữ liệu (data) không giới hạn. Giá bán lẻ của bộ hoà mạng là 40.000 đồng và để hưởng ưu đãi này khách hàng chỉ cần nạp thẻ từ 20.000 đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, khi đó, Cục Viễn thông yêu cầu giải trình do có dấu hiệu vi phạm về quản lý giá cước viễn thông.

Xem thêm

Nguyễn Hà