VietinBank và VPBank bị người tiêu dùng khiếu nại vì không hoàn tiền
VPBank bị người tiêu dùng khiếu nại vì không hoàn tiền (Ảnh minh hoạ) |
Trong 4 tháng đầu năm, Cục Quản lý Cạnh tranh đã ghi nhận 1.895 cuộc gọi đến tổng đài tư vấn, số lượng khiếu nại được tiếp nhận và trả lời chiếm 54,46%. Trong số đó có 270 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Trong số 270 vụ việc phản ánh tới Cục, có 33% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là bảo hành với tỉ lệ 20%, cung cấp thông tin với tỉ lệ 18%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (8%), và các hành vi khác (21%).
Riêng lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm có 12 trường hợp được xử lý, chiếm 4,4%. Một số vụ việc điển hình đã giải quyết trong 4 tháng đầu năm trong lĩnh vực này là khiếu nại của khách hàng về việc sử dụng thẻ tín dụng VietinBank và hoàn tiền cho người tiêu dùng của VPBank.
Các vụ việc phân chia theo ngành hàng, lĩnh vực (Nguồn: Bộ công thương) |
Cụ thể, người tiêu dùng khiếu nại về việc sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng VietinBank với chương trình được hoàn lại 1 phần tiền khi sử dụng thẻ. Sau khi chương trình kết thúc được 5 tháng mà vẫn không nhận được số tiền hoàn lại từ ngân hàng.
Đối với trường hợp của VPBank, người tiêu dùng mua điện thoại Samsung Galaxy Note 7 tại Thế giới di động qua hình thức trả góp của ngân hàng. Trong năm 2016, Samsung tiến hành thu hồi sản phẩm Note 7. Tuy nhiên, VPBank chậm trễ trong việc hoàn lại số tiền người mua đã đóng trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ ngày mua cho đến thời điểm thu hồi.
Sau khi Cục Quản lý Cạnh tranh tư vấn, hỗ trợ, VietinBank và VPBank đã làm việc với khách hàng hoàn lại tiền theo đúng quy định.
Đánh chú ý khác trong quý I/2017, Cục QLCT tiếp nhận 11 đơn của nhiều người tiêu dùng khiếu nại về việc mua hàng tại trang web Lazada.vn của Công ty TNHH Recess.
Những vấn đề người tiêu dùng thường xuyên khiếu nại bao gồm: thời gian giao hàng chậm nhưng không được giải quyết; mặt hàng điện tử nhận được có thông số khác biệt so với quảng cáo trên trang web; đơn hàng bị hủy không lý do, người tiêu dùng phải đặt lại nhưng với giá cao hơn thời điểm đặt hàng trước; giao hàng lỗi nhưng qua 2 tháng vẫn không nhận lại hàng,…
Sau khi tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng, Cục QLCT đã tư vấn, hỗ trợ để các bên tiến hành thương lượng và hòa giải. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các khiếu nại đã được giải quyết và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng