|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam 'xuất khẩu' Yoga sang Nhật

17:18 | 21/12/2017
Chia sẻ
Lần đầu tiên một công ty Yoga của Việt Nam xuất khẩu nhân lực sang Nhật dưới dạng chuyên viên với mức thu nhập tương đương nhân viên văn phòng ở đây.

Công ty Cổ phần SMART (Nhật) và Công ty Thiền và Yoga Trái Tim Vàng đã ký kết thành lập Công ty Cổ phần Trái Tim Vàng Nhật Bản với tỉ lệ cổ phần là 50-50. Theo đó, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm mở rộng thị trường cung cấp các huấn luyện viên cá nhân cho dịch vụ Yoga phục hồi tự nhiên ở Nhật. Về phần mình, Yoga Trái Tim Vàng sẽ cung cấp nhân lực, dự kiến trong năm 2018 sẽ xuất khẩu ít nhất 100 huấn luyện viên với hợp đồng làm việc trong 3 năm sang đây.

viet nam xuat khau yoga sang nhat
Ảnh minh họa

Lợi thế của Việt Nam

Công ty SMART nằm đối diện Công ty Yoga Trái Tim Vàng trên đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP.HCM), dù cách nhau vài bước nhưng để lễ ký kết diễn ra, cả 2 phải mất đến 2 năm tìm hiểu. Ông Shinji Adachi, Giám đốc SMART, đã tiếp xúc rất nhiều từ học viên đến huấn luyện viên của Yoga Trái Tim Vàng mới đi đến quyết định hợp tác. Trước đó không lâu, ông đã hủy hợp đồng với một đối tác sau 2 năm tìm hiểu vì thiếu tính minh bạch.

Theo đó, tháng 2.2018, dự kiến hơn 20 huấn luyện viên sẽ được đưa sang Nhật với mức lương khởi điểm sau thuế 6 tháng đầu là 1.200 USD/tháng, tương đương với một nhân viên văn phòng ở Nhật. Đến năm thứ 2, họ có thể đạt được mức lương tương đương với kỹ sư. Bên cạnh đó, các huấn luyện viên sẽ được đóng thuế, bảo hiểm xã hội đầy đủ và hưởng chế độ như chuyên viên nước ngoài làm việc ở đây.

Thật ra ở Nhật không thiếu huấn luyện viên chuyên nghiệp về Yoga là người bản xứ hoặc nước ngoài nhưng những người có kinh nghiệm trong bộ môn Yoga phục hồi tự nhiên lại khá hiếm. Đây chính là yếu tố quyết định của Yoga Trái Tim Vàng trên bàn đàm phán trong thương vụ hợp tác này.

“Robot hiện nay không thể thay thế con người cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già. Chúng tôi xem các huấn luyện viên cá nhân như những người thầy”, ông Adachi nói.

Theo đó, các huấn luyện viên của Yoga Trái Tim Vàng hoàn thành ít nhất 400 giờ thực hành Yoga và 100 giờ thiền. Song song đó, họ phải có trình độ N3 (Nhật) cùng tiếng Nhật chuyên ngành và 6 tháng sống làm quen với văn hóa Nhật cùng luật pháp của nước này ở công ty. Số liệu điều tra dân số từ năm 2015 cho thấy 26,7% dân số Nhật là 65 tuổi trở lên. Với tốc độ hiện tại, các ước tính cho thấy tỉ lệ dân số già sẽ tăng lên 33% vào năm 2035 và 40% vào năm 2060. Chi phí y tế đang là một vấn đề bức xúc ở Nhật.

Theo đó, Chính phủ Nhật đã ưu tiên đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe và đây là một trong các điểm chính của chiến lược tăng trưởng đến năm 2020. Năm 2008, Nhật phải chi 8,6% GDP cho y tế thì con số này đã lên 10,3% vào năm 2013 do dân số già hóa nhanh chóng.

Xu hướng này thúc đẩy quy mô ngành y tế có thể tăng lên 10.000 tỉ yen. Quan trọng hơn, các công ty Nhật phải tìm ra những mô hình chăm sóc sức khỏe có thể xuất khẩu sang các quốc gia có nhân khẩu học tương tự trong tương lai.

Yoga đã bắt đầu phổ biến ở Nhật từ năm 1919 và rất được người dân ủng hộ vì không phải đầu tư vào máy móc và có thể tập ở nhà. Rõ ràng SMART của ông Adaichi đang đầu tư cho tương lai.

viet nam xuat khau yoga sang nhat

Kế hoạch 9 năm

Yoga Trái Tim Vàng được thành lập vào tháng 4.2008 và trở thành thành viên của Yoga Alliance (Mỹ) 1 năm sau đó. Tính đến nay, Yoga Trái Tim Vàng có 8 chi nhánh trực thuộc và 16 cơ sở nhượng quyền với doanh thu khoảng 22 tỉ đồng mỗi năm. Với 500 huấn luyện viên và hơn 4.000 học viên mỗi năm, bà Lê Thị Tố Hải, người sáng lập Công ty và đã tập Yoga từ năm 16 tuổi, cho biết Công ty đang là đơn vị dẫn đầu thị trường về môn Yoga phục hồi tự nhiên.

“Việc hợp tác với đối tác Nhật nhằm mục tiêu đưa Yoga là nghề của người Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế”, bà Hải nói. Theo đó, Yoga Trái Tim Vàng được xây dựng trên 3 yếu tố: tiêu chuẩn chuyên môn của Việt Nam, dịch vụ chuẩn Nhật và chứng chỉ, bằng cấp của Mỹ.

Hai năm trước, bà Hải đã xuất khẩu huấn luyện viên sang quê hương của Yoga là Ấn Độ. Dự án đó thất bại về doanh thu nhưng lại thành công về mặt con người. Các huấn luyện viên tham gia đã tự tin hơn. Với việc khai thác với Nhật, bà Hải đang muốn chuẩn hóa nghiệp vụ của các huấn luyện viên Yoga Trái Tim Vàng và khi đã phục vụ được thị trường khắt khe này, các thị trường còn lại sẽ dễ dàng hơn. Mặt khác, đây cũng là thời điểm thuận lợi khi Chính phủ Nhật đang mở cửa hơn với lao động nước ngoài.

Theo Bộ Lao động Nhật, thống kê hồi tháng 10 vừa qua có hơn 1 triệu người lao động nước ngoài đang làm việc ở nước này, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lao động Việt Nam đứng thứ nhì khi chiếm 16%. Sau Nhật, Úc, Đài Loan sẽ là các đích đến tiếp theo, xa hơn là Hàn Quốc, Anh và Mỹ. Bà Hải cho biết hiện đã có các đối tác ở thị trường này nhưng trước mắt Công ty muốn tập trung vào thị trường Nhật.

viet nam xuat khau yoga sang nhat

Một số tài liệu cho thấy từ năm 2005, giá trị thị trường Yoga ở Nhật đã vượt con số 200 tỉ yen. Ấn Độ đã xuất khẩu huấn luyện viên sang Nhật từ rất sớm để đón cơn sóng này nhưng họ cũng là những người bỏ cuộc sớm nhất. Khác biệt về ngôn ngữ khiến mỗi phòng tập khi thuê một huấn luyện viên người Ấn Độ phải kèm theo một hướng dẫn viên dẫn đến giá thành tăng cao.

Tuy nhiên, một số nước khác như Thái Lan, Philippines... đang tìm cách thay vào chỗ trống của Ấn Độ nên Yoga Trái Tim Vàng không được phép hụt chân. Dù có bước phát triển rất nhanh trong những năm gần đây nhưng sự thật ngành Yoga Việt Nam gia nhập chậm hơn các nước bạn đến 40 năm. “Cạnh tranh trên thị trường quốc tế bên cạnh trình độ chuyên môn còn phải có tốc độ”, bà Hải nói.

Đông Sang