Việt Nam, Philippines... thành nơi phát đạt của các bệnh viện tư
Trước đây, tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á chỉ có 2 lựa chọn chăm sóc y tế: các bệnh viên tư nhân cao cấp hoặc bệnh viện công giá rẻ nhưng kém về dịch vụ. Bối cảnh nay đã khác. Các bệnh viên tư nhân quy mô vừa, nhắm đến tầng lớp trung lưu xuất hiện tại khắp các nước trong khu vực, cung cấp các dịch vụ y tế với chi phí chỉ bằng 50-70% giá của các bệnh viện tư nhân hạng sang quy mô lớn, vốn hướng đến tầng lớp giàu có.
Bên trọng Bệnh viên quốc tế Siloam tại Jakarta (Indonesia). Ảnh: Nikkei Asian Review
Một phòng khám tư nhân ở Manila (Philippines) đã đón nhiều bệnh nhân hơn trong thời gian gần đây. Phòng khám tọa lạc tại quận trung tâm Makati với dịch vụ về nội khoa, tai mũi họng và một số chuyên môn khác. Một bệnh nhân khoảng 20 tuổi đang gặp vấn đề về mũi đánh giá cao giá dịch vụ tại đây.
Phòng khám được điều hành bởi QualiMed - thành viên của Ayala Corp (Philippines). Thông thường, chi phí khám bệnh cho bệnh nhân ngoại khoa tại đây chỉ 1.000 peso (khoảng 19,85 đôla), bằng một nửa chi phí tại một bệnh viên đa khoa gần đó.
Ở Philippines, các bác sỹ thường trả 1 triệu peso hoặc hơn để có không gian làm việc tại bệnh viện. Sau đó, họ thu phí trực tiếp từ bệnh nhân. Điều này khiến chi phí khám chữa bệnh bị đội lên. Trong khi đó, QualiMed giảm chi phí nhân lực bằng các thuê các bác sỹ trẻ tuổi, không có khả năng chi trả để vào được các bệnh viện khác như thế. CEO Edwin Mercado của QualiMed nói rằng, công ty đã điều chỉnh quy trình kinh doanh không hiệu quả trước đây để kiểm soát chi phí vận hành mà không làm mất đi chất lượng dịch vụ.
Tập đoàn bệnh viện Columbia Asia là một ví dụ khác. Tập đoàn này hiện có 18 bệnh viện nhắm đến bệnh nhân thuộc tầng lớp trung lưu tại 3 nước Đông Nam Á là Indonesia, Việt Nam và Malaysia. Chi phí sinh con tại một bệnh viện thuộc hệ thống này tại ngoại ô thành phố Johor Bahru (Malaysia) là 3.500 ringgit (khoảng 784 đôla). Ngay cả khi sinh mổ, chi phí cũng tầm 7.000 ringgit, tức chỉ bằng 60% đến 70% so với các bệnh viên hạng cao cấp sở tại.
Ông Rahani Yaacob - Tổng giám đốc của Columbia Asia cho biết, việc đưa ra mức phí dịch vụ hợp lý đã giúp thương hiệu này cạnh tranh hiệu quả với 70 bệnh viện tư nhân tại Malaysia. Columbia Asia giữ chi phí hoạt động thấp bằng cách tập trung vào các lĩnh vực có nhu cầu cao như nội khoa, nhi khoa và chỉnh hình. Khi cần đến các chuyên gia y tế đặc biệt, bệnh viện sẽ đi thuê từ bệnh viện khác.
Hệ thống Bệnh viên tư phân Vạn Phúc với 2 bệnh viện và 2 phòng khám được sáp nhập vào Hoàn Mỹ vào tháng 10/2016. Ảnh: Viễn Thông
Hay như tại Việt Nam, một trong những tên tuổi liên tục phát triển là Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Năm 2016, Hoàn Mỹ sáp nhập được 2 thành viên mới là Bệnh viện quốc tế Vinh (Nghệ An) và Hệ thống Bệnh viện tư nhân Vạn Phúc (Bình Dương). Đến nay, thương hiệu này có 12 thành viên. Hằng năm, Hoàn Mỹ khám và điều trị cho hơn 1,8 triệu lượt bệnh nhân, đón hơn 7.000 trẻ chào đời và hơn 2.000 ca phẫu thuật cơ-xương-khớp… “Chúng tôi liên tục tìm kiếm các cơ hội phát triển để có thể mang dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý đến với người dân trên mọi miền đất nước.”, ông Huỳnh Lê Đức - Tổng Giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái.
Nhiều nước ở Đông Nam Á đang chậm phát triển hệ thống bệnh viện công do những khó khăn về tài chính. Các quốc gia này chỉ có 0,6-2 giường trên 1.000 người, kém xa so với 13,7 giường của Nhật Bản hoặc 4,8 giường ở các nước phát triển.
Tại Philippines, chi phí chữa bệnh tại các bệnh viện công chỉ tốn khoảng vài trăm peso nhưng bệnh nhân thường phải đợi vài tháng sau khi khám để được bắt đầu điều trị. Một số nước khác cũng đối diện với khó khăn tương tự. Nhưng thu nhập tăng lên đang thúc đẩy nhu cầu chăm sóc chất lượng cao hơn. Khách hàng mục tiêu của QualiMed là những bệnh nhân có thu nhập hàng tháng từ 15.000 đến 120.000 peso, tức tầng lớp trung lưu chứ không phải thượng lưu.
Thị trường bệnh nhân trung lưu khả quan đến mức các thương hiệu bệnh viện cao cấp cũng lao vào. Thương hiệu bệnh viện quốc tế Siloam thuộc công ty bất động sản Lippo Karawac (Indonesia) dự định mở rộng phạm vi đến các khách hàng trung lưu. Siloam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số bệnh viện tại Indonesia lên 50 vào năm 2019. Chủ tịch Lledo của doanh nghiệp cho biết, chiến lược mới của hệ thống này là nhắm đến những người trước đây chưa có khả năng đến với thương hiệu này.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á hiện chỉ chi từ 2% đến 4% GDP cho y tế, so với mức 10% của các nước phát triển. Nhiều chính phủ đang cố gắng mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế công cộng trong những năm gần đây. Ví dụ như Indonesia với chương trình an sinh xã hội có tên Badan Penyelenggara Jaminan Sosial, đưa ra vào 2014. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế công cộng tại một số nơi lại bị hạn chế về số bệnh viện và số bệnh được bảo hiểm. Vì vậy, ở một số thị trường, bảo hiểm y tế tư nhân đang gia tăng. Cũng tại Indonesia, một hãng bảo hiểm có tên Sinarmas MSIG Life đã hợp tác với các bệnh viện tư nhân để đưa ra các gói bảo hiểm y tế hấp dẫn cho doanh nghiệp và bước đầu thu hút được nhiều khách hàng tham gia.