|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đang ở trong chu kỳ kinh tế nào?

11:18 | 30/11/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia của BSC cho rằng các chỉ tiêu kinh tế hiện tại của Việt Nam cho thấy nền kinh tế đang ở trong giai đoạn giảm tốc.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành quý IV/2022, theo đó nhận định kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn giảm tốc.

Khối phân tích cho biết trong giai đoạn 10 tháng đầu năm 2022, những yếu tố bất ổn vĩ mô do dịch COVID-19 gây nên như đứt gãy chuỗi sản xuất do chiến dịch Zero COVID của Trung Quốc; hoạt động thương mại đình trệ, làn sóng tăng giá của hàng hóa do xung đột Nga – Ukraina và lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia đang tác động đang kể đến việc xác định chu kỳ kinh tế gây nên rủi ro về suy thoái kinh tế thế giới.

"Việt Nam với độ mở nền kinh tế cao cũng nằm trong vòng xoáy trên và ít nhiều có các ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên nội lực nền kinh tế vẫn duy trì được tốt thông qua tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức cao", báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, BSC nhận định kinh tế Việt Nam bắt đầu cho thấy việc chịu tác động ảnh hưởng từ phía ngoại lực như chỉ số lạm phát bắt đầu tăng tốc và hoạt động xuất nhập khẩu chậm dần. Ngoài ra, tỷ giá VND giảm mạnh trong tháng 10 và Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành.

"Các chỉ tiêu kinh tế hiện tại của Việt Nam cho thấy chúng ta đang ở trong giai đoạn giảm tốc, điển hình bởi đa số các dấu hiệu như lạm phát bắt đầu tăng, lãi suất huy động có xu hướng dài hạn đang bắt đầu tăng lại, Chính phủ bắt đầu các chính sách thắt chặt kinh tế, giá cổ phiếu giảm sau khi tạo đỉnh, giá trái phiếu giảm", chuyên gia tại đây cho hay.

 

Theo báo cáo kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11tăng 0,39% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 11 tăng 4,56%. So với cùng kỳ năm trước CPI tăng 4,37%, là mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. 

Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%.

 

Về lãi suất huy động, theo SSI Research, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5 - 4 điểm % so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước COVID-19. 

Mới đây, thêm một số ngân hàng tiếp tục thông báo tăng lãi suất huy động, trong đó Saigonbank và OceanBank tăng lãi suất lên trên 10%/năm tại một số kỳ hạn.  

Trước đó, đã có một số ngân hàng xuất hiện mức lãi suất lên đến 10% như GPBank và VPBank. Tại GPBank, với kỳ hạn 13 tháng với khách hàng gửi từ 100 triệu đồng trở lên mức lãi suất được áp dụng là 9,95%/năm. Đối với khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài và số tiền gửi lớn, ngân hàng tri ân khách hàng với mức lãi suất được áp dụng là 10%/năm.

Đối với VPBank, mức lãi suất 10%/năm được ngân hàng áp dụng tại sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings, áp dụng từ 22/11.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác hiện đang áp dụng mức lãi suất trên 9%/năm như Techcombank, Sacombank, Viet A Bank, KienlongBank,…  

 

Hồng Hà

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.