Việt Nam đã sẵn sàng để thực hiện Chính phủ số và Dữ liệu mở
Ra mắt Trung tâm dữ liệu mới của NHNN Việt Nam |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo theo chủ trương minh bạch hóa, công khai hóa. Theo chủ trương này, năm 2016 được Chính phủ xác định là năm hoàn thiện thể chế, năm 2017 là năm cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp.
Chính phủ hiện đã xây dựng các kênh để tạo sự đối thoại với người dân và doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch. Vừa qua, Việt Nam đã cắt giảm, loại bỏ trên 5.000 thủ tục hành chính và cắt giảm nhiều thủ tục có thể coi là giấy phép con, là rào cản cho tăng trưởng. “Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng để công khai, minh bạch những gì mà chúng tôi có thể công khai được”, ông Dũng nêu rõ.
Nhận định việc phát triển Chính phủ số và Dữ liệu mở là xu hướng tất yếu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, việc phát triển Chính phủ số và Dữ liệu mở là bước đi tiếp theo của Chính phủ điện tử, hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, việc đánh giá mức độ sẵn sàng để triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn phù hợp. “Chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện Chính phủ số và Dữ liệu mở vì đây là nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”, ông nói.
Người đứng đầu VPCP hy vọng qua Hội thảo khởi động và quá trình đánh giá về mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam, các chuyên gia sẽ giúp chỉ ra những khoảng cách về thể chế và công nghệ nhằm hướng tới một Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ thực hiện cải tiến thủ tục hành chính và cải cách quản lý hành chính công, bằng việc sử dụng công nghệ số cũng như những khuyến nghị về khung hành động xây dựng Chính phủ kiến tạo số ở Việt Nam giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2036.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Alla Morrison – Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo, WB – cho biết, xây dựng Dữ liệu mở và Chính phủ số sẽ tạo ra giá trị mới về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp các Chính phủ minh bạch và hiệu quả hơn do dòng thông tin được chạy xuyên suốt trong các cơ quan nhà nước và giữa Chính phủ các nước. Đây cũng là những giải pháp nhằm hiện thực hóa 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Theo chương trình hợp tác giữa VPCP với WB, từ tuần tới, nhóm chuyên gia quốc tế của WB sẽ phối hợp với VPCP, các bộ, cơ quan liên quan để thu thập thông tin về hiện trạng và mức độ sẵn sàng của Việt Nam cho Dữ liệu mở và Chính phủ số trong hoạt động của Chính phủ. Việc đánh giá này sẽ được thực hiện trên các lĩnh vực bao gồm lãnh đạo; chính sách/khung pháp lý; cấu trúc thể chế; dữ liệu trong Chính phủ; nhu cầu/sự tham gia của người dân; hệ sinh thái dữ liệu mở; tài chính; hạ tầng; công nghệ và nhân lực.