|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam có số triệu phú tăng nhanh nhất thế giới

07:33 | 10/07/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực giúp nền kinh tế Việt Nam bứt tốc, tạo ra nhiều người giàu hơn trong thập kỷ tới.

Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng tài sản trong thập kỷ tới, củng cố vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu, theo báo cáo của công ty nghiên cứu tài sản New World Wealth và công ty tư vấn Henley & Partners.

Chuyên gia phân tích Andrew Amoils cho biết Việt Nam dự kiến sẽ tăng 125% tài sản trong 10 năm tới, mức tăng trưởng cao nhất thế giới về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.

Xe điện VinFast VF 9 - mẫu xe cao cấp nhất được một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam sản xuất, là biểu tượng mới của ngành công nghiệp quốc gia Đông Nam Á này. (Ảnh: Đức Huy).

"Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, may mặc và dệt may đa quốc gia," Amoils chia sẻ. Ấn Độ đứng thứ hai với mức tăng trưởng tài sản dự kiến là 110%.

Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú và 58 người có tài sản trên 100 triệu USD. Theo Amoils, môi trường tương đối an toàn của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực là một yếu tố thu hút các công ty đầu tư sản xuất tại đây.

Theo McKinsey, "vị trí chiến lược" của Việt Nam - giáp với Trung Quốc và nằm gần các tuyến đường biển quan trọng - cùng với chi phí lao động thấp và cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu tốt đã biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đã chậm lại còn 5,05% so với mức 8,02% năm 2022 do nhu cầu toàn cầu giảm và đầu tư công trì trệ. Ngành sản xuất chiếm 1/4 GDP của cả nước.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, từ khoảng 2.190 USD lên 4.100 USD. Chuyên gia kinh tế Brian Lee của Maybank cho biết sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi công nghiệp hóa xuất khẩu, với ba làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ba thập kỷ qua, và làn sóng thứ tư đang bắt đầu.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức. Việt Nam cần nâng cao kỹ năng lao động để đáp ứng yêu cầu của các hoạt động sản xuất phức tạp. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa các công ty nước ngoài và đối tác trong nước để tối đa hóa lợi ích từ FDI.

Một cuộc suy thoái toàn cầu kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường phát triển, từ đó tác động đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Sự mất giá mạnh của đồng nội tệ cũng là một rủi ro.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Michael Kokalari của VinaCapital tin rằng Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này: "Sẽ rất khó để làm chệch hướng tăng trưởng của Việt Nam hiện nay."

Đức Huy

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.