|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Việt Nam chưa giàu đã già, lại nhiều nợ'

14:12 | 12/10/2016
Chia sẻ
Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập.

TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, đánh giá "Việt Nam chưa giàu đã già, lại nhiều nợ" là của TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, đồng tác giả báo cáo với ông tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 được tổ chức sáng nay, 12/10.

Để chứng minh quan điểm đó, TS Thành dẫn chứng, vào thời điểm Thái Lan già hóa dân số, mức thu nhập bình quân đầu người là 1.897 USD, nợ công tương đương 24,6% thu nhập của họ. Hàn Quốc thu nhập bình quân 12.197 USD và tỷ lệ nợ công lý tưởng ở mức 8,8% thu nhập.

Trong khi, Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập.

So với mức bình quân các nước, ở “độ tuổi” của Việt Nam thì lẽ ra đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia, tức khoảng xấp xỉ 10.000 USD. Tuy nhiên thực tế Việt Nam mới chỉ đạt mức thu nhập bằng 1/5 của Malaysia.

Hơn nữa,người dân Việt Nam hiện đã gánh số nợ công lên đến trên 62% thu nhập trong khi người dân Malaysia chỉ gánh số nợ công chưa tới 52% thu nhập của họ, TS Nguyễn Xuân Thành phân tích.

Singapore già hóa từ rất sớm, từ năm 1998, thu nhập bình quân đầu người của người dân Singapore đã lên đến 21.824 USD và mỗi người dân Singapore gánh hơn 18.000 USD nợ công, tương đương 82,5% thu nhập người dân. Việt Nam đang hướng tới tương tự như Singapore là một nước già, có nhiều nợ nhưng vẫn có thể phát triển để giàu có.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, không thể so sánh với Singapore, Chính phủ Singapore đang nợ người dân nước này rất nhiều tuy nhiên, họ có tài sản đảm bảo để vay nợ. "Phải thực hiện thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp, thu ngân sách để giảm nợ công. Để ít nhất chưa giàu đã già nhưng không nợ nhiều lắm", ông Thành nói.

Nợ công còn nhiều tiềm ẩn

Hiện nay nợ công Việt Nam có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nợ công chủ yếu tập trung vào nợ Chính phủ, hai nhóm nợ bảo lãnh Chính phủ và nợ địa phương chiếm tỉ lệ nhỏ hơn. Đến cuối năm 2015, tổng số Nợ Chính phủ là 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm 80% tổng dư nợ công và tương đương 50,3% GDP năm 2015.

Như vậy, lần đầu tiên, Chính phủ đã không giữ được mục tiêu duy trì nợ chính phủ ở mức dưới 50% GDP. Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thành đánh giá cao hành động vẫn giữ trần nợ công ở mức cũ, chấp nhận vượt trần thay vì điều chỉnh để “đánh lừa thị giác” như thường thấy.

"Bên cạnh kỉ cương ngân sách, để đảm bảo phát triển bền vững, nợ công phải giảm xuống 3%", ông Thành nhận định.

viet nam chua giau da gia lai nhieu no
Bong bóng nợ công (tính toán theo số liệu của Bộ Tài chính). Nguồn: Báo cáo của TS Nguyễn Xuân Thành.

Theo ông Thành, nợ chính quyền địa phương hiện tại chỉ chiếm 0,8% GDP nhưng lại là yếu tố cần phải quan tâm. Con số thực tế về nợ địa phương đang bị che lấp. Theo luật ngân sách chúng ta không có thâm hụt ngân sách địa phương nhờ việc cân đối trung ương và từng đơn vị. "Nhưng nếu không có khoản cân đối đó, tỉ lệ nợ sẽ lớn hơn nhiều", ông Thành nói.

Có quan điểm ngược lại với lo lắng mức nợ công vượt trần của TS Thành, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, không nên để ngưỡng 65% 'bắt làm con tin', IMF từng khuyến cáo với các thị trường mới như Việt Nam nợ công có thể ở mức 70 - 75%.

Thái Hoàng