|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vị thế đầu cơ ngắn hạn đang ở trạng thái lỗ

07:57 | 03/04/2017
Chia sẻ
Dòng tiền ngắn hạn đại diện cho số đông và mức độ kiên nhẫn kém hơn dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức. Vị thế đầu cơ ngắn hạn đang ở trạng thái lỗ hoặc hòa vốn báo hiệu khả năng điều chỉnh ngắn hạn của chỉ số.
vi the dau co ngan han dang o trang thai lo
Ảnh minh họa

Tuần vừa qua, sự kiện gây chú ý trên thị trường tài chính toàn cầu là việc Vương quốc Anh (UK) chính thức kích hoạt Điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon của Liên minh châu Âu (EU) và bắt đầu quá trình đàm phán rời EU.

Quá trình đàm phán được dự báo kéo dài và có nhiều tranh cãi vì UK từng là một phần quan trọng của EU, đóng góp 17,5% GDP và 15,35% ngân quỹ của EU trong năm 2015 (nguồn: Eurostat). Câu hỏi đặt ra là UK có trách nhiệm phải đóng góp cho ngân quỹ của EU trong bao lâu nữa và EU sẽ làm thế nào để lấp khoảng trống UK để lại?

Thị trường cổ phiếu khu vực châu Âu không phản ứng mạnh với diễn biến trên, giới đầu tư vẫn mua vào cổ phiếu, giúp các chỉ số chính tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm (30/3), chỉ số DAX của Đức tăng 1,44%, chỉ số FTSE 100 của UK tăng 0,45% và chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 1,09%. Đồng Bảng Anh biến động nhẹ so với USD và Euro, thay vì giảm giá mạnh như một số dự báo. Theo trang tin CNBC, vị thế bán khống trên đồng Bảng Anh đang rất lớn và phản ứng như vậy cho thấy tiềm năng tăng giá của ngoại tệ này trong tương lai gần.

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua phục hồi và lấy lại một phần điểm đã mất. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,47% nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 tăng điểm nhờ cổ phiếu ngân hàng phục hồi (KRE tăng 3,9%). Cổ phiếu các nhóm ngành tăng giá mạnh nhất là hàng tiêu dùng lâu bền (XLY tăng 1,59%), năng lượng (XLE tăng 2,3%) và công nghệ (XLK tăng 1,08%).

Ở thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản kết thúc tuần qua giảm mạnh, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,83%; chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 1,44%. Số liệu sản xuất công nghiệp (PMI) tích cực hơn kỳ vọng không giúp chứng khoán Trung Quốc tránh khỏi diễn biến giảm điểm.

Trong tuần qua, chứng chỉ quỹ ETF đầu tư vào các thị trường phát triển (EFA) tăng giá tốt hơn các thị trường mới nổi (EEM) và thị trường cận biên (FM). Dòng vốn vào cổ phiếu đang chững lại, nhưng xu hướng chung vẫn là mua vào.

Thị trường hàng hóa có diễn biến trái chiều. Chỉ số Goldman Sachs Commodity Index đi lên nhờ dầu thô phục hồi mạnh. Hợp đồng tương lai ICE Brent Crude giao tháng 5/2017 tăng 3,63%. Trong khi đó, các hàng hóa kim loại không đồng điệu. Giá nhôm tăng 1,33%, giá quặng sắt giảm 11,08%. Giá đường cũng ghi nhận mức giảm 5,08% và kéo dài chuỗi giảm sang tuần thứ 8 liên tiếp. Nhìn chung, hàng hóa nông nghiệp chịu sức ép giảm giá khá lớn.

Thị trường cổ phiếu Việt Nam tuần qua có dấu hiệu muốn “nghỉ ngơi”. Chỉ số VN-Index biến động nhẹ, đóng cửa tuần ở gần mức mở cửa. Các giao dịch “đỡ” giá trị tài sản ròng (NAV) cuối quý I/2017 không đủ mạnh để giữ giá các cổ phiếu blue-chips. Thực tế, không ít cổ phiếu này bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra.

Chúng tôi quan sát dòng tiền đầu cơ ngắn hạn và nhận thấy, trong tuần qua, các vị thế chủ yếu ở trạng thái lỗ, tích cực nhất cũng chỉ là hòa vốn. Thông thường, dòng tiền ngắn hạn đại diện cho số đông và mức độ kiên nhẫn kém hơn dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức. Điều này hàm ý thị trường đang có khả năng điều chỉnh nhiều hơn là đi lên tiếp, ít nhất là trong nửa đầu tuần giao dịch này (3 - 7/4).

Cổ phiếu vật liệu xây dựng, bất động sản, chứng khoán và ngân hàng tiếp tục là đối tượng quan sát của chúng tôi nếu thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi không quá hào hứng mua khi thấy giá giảm mà sẽ chọn quan sát động thái các dòng tiền lớn trước khi ra quyết định đầu cơ.