Vì sao không bỏ điều kiện kinh doanh của dịch vụ mua bán nợ?
Ngày 7/11, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Trong danh mục 226 ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo dự luật, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ vẫn có số thứ tự 34, ngay sau kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Rút ra, đưa vào
Trước đó, trong dự thảo luật Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh (trong đó có phụ lục 4 của Luật Đầu tư) được công bố hồi cuối tháng 8 năm nay, dịch vụ mua bán nợ đã được bỏ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đề xuất từ VCCI.
Hồ sơ dự án luật gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo cho biết Bộ Quốc phòng đề nghị không bãi bỏ điều kiện của kinh doanh dịch vụ mua bán nợ để tránh tối đa tình trạng biến tướng của dịch vụ mua bán nợ.
Còn, VCCI đề nghị bãi bỏ với lý do mua bán nợ là giao dịch trong đó các quyền và nghĩa vụ đối với một khoản nợ được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác, và “nợ” chỉ là một loại hàng hóa để mua bán thông thường.
Do đó, toàn bộ giao dịch không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện quyền, nghĩa vụ đó. Như vậy, cả chủ thể giao dịch lẫn đối tượng giao dịch đều không có ảnh hưởng nào tới lợi ích công cộng được liệt kê trong Điều 7.1 Luật Đầu tư.
Đối với các dịch vụ gắn với giao dịch mua bán nợ (tư vấn, môi giới, sàn giao dịch...) chỉ giúp hỗ trợ giao dịch mua bán nợ và khi bản thân giao dịch mua bán nợ không ảnh hưởng gì tới lợi ích công cộng thì các dịch vụ hỗ trợ giao dịch cũng không có khả năng tác động tới các lợi ích công cộng.
Ý kiến của Bộ Quốc phòng được tiếp thu. Với quan điểm của VCCI, Ban soạn thảo hồi âm là không bãi bỏ vì kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Ba ngành hợp một thành “kinh doanh vàng”
Lần sửa đổi này, Chính phủ cho biết đã hệ thống hóa một số ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này. Theo đó, 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề.
Bản giải trình chi tiết nêu, đã hợp nhất ngành số 264 (Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ) và ngành số 263 (Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng) vào ngành số 262 (Kinh doanh, mua, bán vàng miếng) và sửa lại thành “Kinh doanh vàng”.
Cơ quan đề xuất hợp nhất là Ngân hàng nhà nước Việt Nam với lý do: Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với hoạt động kinh doanh vàng được quy định tại các ngành số 262, 263 và 264 Phụ lục 4 Luật Đầu tư. Việc phân chia các ngành như trên là phân tán và chưa phản ánh đầy đủ các ngành, nghề có điều kiện trong kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Do vậy, để đảm bảo thống nhất quản lý và phản ánh đầy đủ các hoạt động kinh doanh vàng đang được Ngân hàng nhà nước quản lý, dự thảo hợp nhất các ngành, nghề kinh doanh vàng đang được quy định tại Phụ lục 4 (số 262, 263 và 264) và sửa đổi thành ngành, nghề “Kinh doanh vàng”.