|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao công ty Trung Quốc ráo riết IPO hút vốn ngoại năm 2018?

07:03 | 27/12/2018
Chia sẻ
Công ty của Vivien Han vừa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York (Mỹ) vào hè năm 2018, nhận được chú ý lớn của truyền thông Trung Quốc và được xem là ngôi sao đang lên sau khi khai thác thành công thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
vi sao cong ty trung quoc rao riet ipo hut von ngoai nam 2018
Chiến tranh thương mại cũng không ngăn được các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.

Tuy nhiên, Han cùng các đồng nghiệp không coi thương vụ IPO này là một thành công. "Chúng tôi đã phải giảm số tiền huy động xuống một nửa... Tâm lý thị trường không phải ở trạng thái tốt nhất. Chúng tôi đã đề nghị sếp đợi tới thời điểm tốt hơn", Han cho biết. Tuy nhiên, người sáng lập công ty vẫn kiên quyết thực hiện IPO, bất chấp số tiền huy động được ít hơn.

Công ty này đã lên sàn giao dịch chứng khoán New York và huy động được chưa đầy 100 triệu USD.

"Sếp nói rằng điều quan trọng nhất với chúng tôi là 'ra khỏi' (thị trường đại chúng) Trung Quốc sớm nhất có thể, vì chúng tôi không biết nền kinh tế có thể diễn biến xấu thế nào trong năm tới", Han cho biết thêm.

Công ty của Han không phải là doanh nghiệp Trung Quốc duy nhất làm như vậy. Trong năm 2018, các công ty của nước này đã ráo riết IPO ở các thị trường vốn ngoại, bất chấp giá trị vốn hóa và số vốn huy động được ít hơn. Lo ngại về tăng trưởng kinh tế giảm tốc, áp lực gia tăng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những chính sách thắt chặt quản lý của chính phủ Bắc Kinh, nhiều doanh nhân Trung Quốc chạy đua thời gian để IPO ở nước ngoài, từ đó đa dạng hóa tài sản cũng như rủi ro.

"Một số công ty đã đẩy nhanh kế hoạch IPO, bất chấp cảnh báo của nhà đầu tư và giá trị vốn hóa thấp hơn. Đây là quyết định đánh cược có lý của lãnh đạo các doanh nghiệp, thà nắm lấy cơ hội hiện tại còn hơn chấp nhận rủi ro của suy giảm kinh tế Trung Quốc trong năm 2019", Brock Silvers, giám đốc điều hành của hãng tư vấn đầu tư Singapore Kaiyuan Capital, cho biết.

"Và với nhiều công ty, số tiền huy động không phải là mục tiêu duy nhất khi IPO. Nhiều thương vụ IPO gần đây đã mang lại những khoản thưởng không giới hạn cho các CEO, và những công ty mới niêm yết có thể tiếp cận với nhiều nguồn cho vay nợ", Brock nói thêm.

Trong năm 2018, nhiều công ty đã hạ mục tiêu huy động vốn khi IPO tại Hồng Kông. Babytree, công ty được đầu tư bởi Alibaba Group Holding, đã giảm tới 70% mục tiêu huy động trong IPO tại Hồng Kông vào cuối tháng 11. Trong tháng 12, Fosun Tourism Group, chủ sở hữu của nhà quản lý nghỉ dưỡng Club Med, cũng hạ 50% mục tiêu.

Mogu, startup được Tencent đầu tư, chuyên bán thời trang và mỹ phẩm trực tuyến, đã giảm hơn một nửa quy mô IPO của mình xuống còn 87,4 triệu USD, chấp nhận giảm 1/3 giá trị công ty trong thương vụ IPO tại Mỹ vào cuối tháng trước.

Theo một khảo sát mới đây của Deloitte, 82% các giám đốc tài chính (CFO) của các công ty tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tỏ ra kém lạc quan hơn về triển vọng kinh tế so với 6 tháng trước. Con số này tăng 52 điểm phần trăm so với khảo sát tương tự được thực hiện vào quý trước. Khảo sát này được thực hiện với sự tham gia của 108 CFO từ các công ty chưa niêm yết, công ty nhà nước và nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc và Hồng Kông.

Ngoài ra, 74% CFO nhận định áp lực lên đồng Nhân dân tệ có thể sẽ còn tiếp diễn và giảm mạnh so với đồng USD trong năm tới. Đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm 5,7% so với đồng USD trong năm 2018, một phần bởi các nhà đầu tư chuyển hướng vào những tài sản tính bằng USD mang lại lợi nhuận cao hơn.

Trong khi đó, chỉ có 2% tỏ ra lạc quan hơn và 16% nhận định sẽ không có gì thay đổi trong năm tới so với năm nay.

Khảo sát cũng cho thấy 56% CFO nói rằng công ty của họ đã bị ảnh hưởng bởi các đòn thuế quan, và chỉ 38% nhận định công ty của mình sẽ đạt được mục tiêu doanh thu.

Trong năm 2018, số công ty Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hồng Kông đạt con số kỷ lục 208, huy động được 286,6 tỷ Đôla Hồng Kông (36,6 tỷ USD), tăng 123% so với năm ngoái. Trong khi đó, có 106 công ty niêm yết tại đại lục, trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, huy động được 140,2 tỷ Nhân dân tệ (20,3 tỷ USD), giảm 39% so với năm ngoái.

Chiến tranh thương mại cũng không ngăn được các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Năm 2018, có tổng cộng 37 công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường Mỹ, huy động được tổng cộng 9,2 tỷ USD, theo hãng luật Baker McKenzie. Con số này tăng gần gấp 3 so với 3,6 tỷ USD huy động được qua 20 IPO vào năm 2017.

"IPO ở các thị trường vốn ngoại của công ty Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2018, đặc biệt là ở Mỹ và Hồng Kông. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm tới...đến từ lượng IPO gia tăng của các hãng công nghệ Trung Quốc", Baker McKenzie cho biết trong một báo cáo công bố trong tháng này.

Tuy nhiên, Baker McKenzie cũng nhận định chiến tranh thương lại sẽ cản trở nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ". "Trừ phi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sớm được giải quyết, nó sẽ có tác động tiêu cực lên hoạt động IPO", David Holland, giám đốc phụ trách mảng thị trường vốn tại châu Á - Thái Bình Dương của Baker McKenzie, nhận xét.

Xem thêm

Hoài Thu

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.