|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào các cụm công nghiệp phía Bắc

11:59 | 19/02/2024
Chia sẻ
Theo VDSC, các nhà đầu tư Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư Việt Nam, tập trung vào các cụm công nghiệp phía Bắc.

Vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1 tăng tới hơn 40% là một khởi đầu tốt đẹp được kỳ vọng sẽ mang lại một năm rực rỡ trong thu hút FDI.

Tính đến ngày 20/01/2024, tổng vốn đầu tư FDI đạt xấp xỉ 2,4 tỷ USD, trong đó, vốn đăng ký mới đạt 2,0 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ, ngược lại, vốn đăng ký tăng thêm và vốn góp mua cổ phần giảm lần lượt 23,1% và 33,1%, đạt 235,4 triệu USD và 116,5 triệu USD.

Cùng giai đoạn trên, vốn thực hiện dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Có thể thấy, nhờ sự tích cực trong kết quả thu hút vốn FDI của năm 2023, tốc độ giải ngân của vốn FDI đã có sự cải thiện đáng kể, năm 2023, vốn thực hiện FDI đạt 23,2 tỷ USD ( tăng 3,5% so với cùng kỳ).

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn dự báo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về dòng vốn FDI toàn cầu có thể sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024 nhờ dự báo về triển vọng lạm phát và chi phí đi vay ở các thị trường phát triển ổn định.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của VDSC vẫn đánh giá triển vọng thu hút vốn FDI năm 2024 sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ ba yếu tố.

Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia tiềm năng trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất Thứ hai là tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi tích cực hơn trong năm nay và thứ ba nền tảng chính trị ổn định.

Dù vậy, rủi ro diễn biến theo chiều hướng tiêu cực vẫn đang bao phủ liên quan đến rủi ro địa chính trị, mức nợ cao ở các quốc gia và nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm vẫn có thể tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo UNCTAD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2023 tăng 3% so với năm 2022 lên khoảng hơn 1.365 tỷ USD chủ yếu do FDI tăng mạnh ở một số quốc gia trung gian ở châu Âu. Tuy vậy, khu vực là động lực cho dòng vốn đầu tư FDI là các nền kinh tế đang phát triển ghi nhận sự sụt giảm 9% so với cùng kỳ, đạt 849 triệu USD.

FDI vào khu vực châu Á chứng kiến mức giảm mạnh hơn, 12% so với cùng kỳ. Trong đó, FDI vào Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và ASEAN giảm 16%.

Trong khu vực ASEAN - 6, chỉ có ba quốc gia ghi nhận tăng trưởng trong thu hút vốn đầu tư FDI trong năm 2023 là Thái Lan, Việt Nam và Indonesia với mức tăng trưởng lần lượt là 42,0%, 32,1% và 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, quy mô thu hút vốn FDI của Việt Nam là lớn nhất trong ba nước. Như vậy, có thể thấy Việt Nam là một ngoại lệ về thu hút FDI trong bức tranh toàn cầu và khu vực trong năm 2023.

Tập trung vốn FDI vào các cụm công nghiệp phía Bắc

Một xu hướng mới cũng được VDSC chỉ ra là các nhà đầu tư Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư Việt Nam, tập trung vào các cụm công nghiệp phía Bắc.

Xét về địa phương thu hút vốn FDI trong năm 2023, TP HCM dẫn đầu về thu hút vốn FDI năm 2023 với tổng vốn đăng ký đạt xấp xỉ 5,9 tỷ USD (tăng 48,5% so với cùng kỳ), trong đó, giá trị góp vốn và mua cổ phần là 4,3 tỷ USD, chiếm hơn 73% tổng vốn đăng ký.

Tuy nhiên, nếu không tính đến vốn góp và mua cổ phần, các địa phương thu hút FDI nổi trội trong năm 2023 lại là 6 tỉnh thành công nghiệp phía Bắc gồm Hải Phòng (khoảng 3,1 tỷ USD), Quảng Ninh (3,1 tỷ USD), Bắc Giang (3,0 tỷ USD), và Thái Bình (2,8 tỷ USD), Bắc Ninh (1,7 tỷ USD) và Nghệ An (1,6 tỷ USD).

Vốn đăng ký từ Trung Quốc tăng gấp đôi trong năm 2023. (Nguồn: VDSC).

Vượt qua Hàn Quốc, HongKong và Trung Quốc là hai nhà đầu tư vươn lên vị trí thứ ba và thứ tư, tổng mức đầu tư lần lượt đạt 4,7 tỷ USD và 4,5 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, khẩu vị đầu tư của nhóm nhà đầu tư này tập trung ở ba nhóm ngành gồm: Sản xuất pin mặt trời, sản phẩm điện tử & linh kiện điện tử và công nghiệp phụ trợ ô tô.

Nếu tính chung cả ba nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan thì vốn đầu tư của nhóm này có sự phục hồi đáng kể sau khi tăng trưởng âm liên tiếp ba năm giai đoạn COVID-19 (2020 - 2022), tổng mức đầu tư của nhóm này là 12,0 tỷ USD trong năm 2023, tăng 97,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn 12,6% so với năm 2019 (trước khi COVID-19 diễn ra). 

Hạ An

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.