|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vành đai 3 TP HCM sẽ kích hoạt toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

14:45 | 06/06/2022
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng vành đai 3 sẽ tháo điểm nghẽn giao thông cho các địa phương trong khu vực dự án, tạo ra động lực phát triển cả vùng Đông Nam Bộ, là trục giao thông chiến lược, vành đai phát triển đô thị, công nghiệp và kết nối vùng. Công trình dự kiến được khởi công vào cuối năm 2023.

Sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án vành đai 3 TP HCM. Nếu được thông qua, triển khai thực hiện sớm, đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển đầu tàu kinh tế cả nước.

Trao đổi với Trang tin Đảng bộ TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết vành đai 3 qua trực tiếp 4 địa phương là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, sẽ “kích hoạt” toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Công trình không chỉ giúp cho TP HCM và các tỉnh trong khu vực dự án tháo điểm nghẽn giao thông, mà còn tạo ra động lực mới cho phát triển cả vùng Đông Nam Bộ. Đây sẽ là trục giao thông chiến lược, là vành đai phát triển đô thị, công nghiệp và kết nối vùng.

Bản đồ tổng thể các nút giao ra vào cao tốc tại dự án vành đai 3. (Nguồn: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM).

Về cơ chế vốn, theo người đứng đầu chính quyền thành phố, nguồn vốn để thực hiện vành đai 3 được phân bổ gồm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 50% và các địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đảm bảo 50%.

"Đối với ngân sách các địa phương, chúng tôi đã trình HĐND cấp tỉnh và đã có kế hoạch cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương trung hạn 2021 - 2025, sẽ bố trí theo tiến độ dự án, khối lượng thực hiện hàng năm để bảo đảm tiến độ dự án", ông Mãi cho biết.

Ngoài ra, TP HCM và các địa phương còn một khoản nữa mà trước giờ chưa dùng hết, đó là được vay, được phát hành trái phiếu địa phương. Thời gian qua, TP HCM mới chỉ phát hành 2.800 tỷ đồng, sắp tới thành phố sẽ phát hành trái phiếu, vay.

 

Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, kể cả Long An có thể khai thác quỹ đất dọc tuyến. Riêng TP HCM có khoảng hơn 500 ha đất dọc tuyến, sau này nếu khai thác thì có thể thu 26.000 - 27.000 tỷ đồng. Cùng với đó là các khoản cân đối tăng thu khác của thành phố.

Như vậy, TP HCM ít nhất có ba kênh để bố trí vốn là các khoản cân đối tăng thu khác, phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất dọc tuyến. Tới đây, TP HCM sẽ tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, dự kiến có thêm nguồn thu hoặc nguồn thu từ các quỹ đất khác…

Về khó khăn giải phóng mặt bằng, lãnh đạo TP HCM cho biết đã lập sẵn kế hoạch triển khai công tác đền bù, bao gồm cả những công việc phải làm, tiến độ, phân công trách nhiệm, trong đó, có công tác tuyên truyền, vận động người dân.

Ông Mãi cho biết thêm, theo kế hoạch trình Quốc hội dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý I/2024, nhưng thành phố sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2023 để cuối năm 2023 khởi công.

Vừa qua, để chuẩn bị cho hồ sơ dự án, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác. Sắp tới, dự án này sẽ thành lập ban chỉ đạo và thành lập văn phòng dự án, thành lập hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia kỹ thuật, các nhà quản lý, giúp giải quyết các vấn đề phát sinh.

Vành đai 3 TP HCM dài hơn 76 km, đoạn đi qua TP HCM dài 47,5 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương 10,7 km, Long An gần 7 km. Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện.

Với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 75.000 tỷ đồng, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. HĐND 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã thông qua nghị quyết bố trí vốn đầu tư cho dự án.

Hồng Quân