Vá kẽ hở bán hàng đa cấp
Hội nghị góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tổ chức sáng 30-11 tại TP HCM đã ghi nhận nhiều ý kiến phản biện của doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này.
Minh bạch hóa
Trên tinh thần vá những kẽ hở trong quản lý kinh doanh đa cấp, dự thảo nghị định lần này không chỉ áp dụng đối với DN bán hàng đa cấp mà còn cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải là DN được thành lập tại Việt Nam theo quy định pháp luật, ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam và đáp ứng một số tiêu chí khác. Đặc biệt, DN muốn hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương phải làm thủ tục đăng ký với địa phương, chứ không phải thông báo cho địa phương như Nghị định 42…
Huy động vốn đa cấp đang tràn lan trên mạng Ảnh: Hoàng Triều |
Theo dự thảo, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. DN bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc lưu hành và điều kiện kinh doanh hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Dự thảo cũng quy định rõ những tài sản, hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp, có bổ sung một số lĩnh vực, trong đó nêu rõ các sản phẩm nội dung số và tài sản được tạo ra trong các chương trình phần mềm máy tính không được kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Các điều kiện về minh bạch hóa hoạt động của các DN bán hàng đa cấp cũng được siết chặt hơn. DN phải ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản với người bán hàng đa cấp. Kế hoạch trả thưởng phải đáp ứng các yêu cầu không quá 10 cấp, danh hiệu người tham gia bán hàng đa cấp, đồng thời quy định rõ điều kiện đạt hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả từng cấp, danh hiệu người bán hàng đa cấp.
Dự thảo còn yêu cầu cách thức phân phối tỉ trọng hoa hồng DN chi trả cho người tham gia phải được tối thiểu 50% hoa hồng cho toàn bộ hệ thống.
Tránh tăng chi phí cho doanh nghiệp
Góp ý về dự thảo nghị định mới, nhiều DN ủng hộ quan điểm loại bỏ những DN bán hàng đa cấp bất chính khỏi thị trường, tạo môi trường cạnh tranh công bằng.
Ông Võ Đan Mạch, Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, cho rằng dự thảo lần này bám sát thực tế, có tiếp thu phản ánh của địa phương và DN nên khá chặt chẽ. Dự thảo có nhiều điểm tích cực như giảm một số khâu thủ tục hành chính trong quá trình xin giấy phép hội nghị, tăng điều cấm để hạn chế đầu tư tài chính…
Tuy nhiên, nhiều DN lo ngại nghị định mới sẽ gây khó khăn cho hoạt động bán hàng đa cấp. Trong đó, một số quy định trả thưởng, công bố thông tin mức thu nhập cao nhất - thấp nhất trên website, bắt buộc DN phải có văn phòng ở các địa phương để triển khai hoạt động sẽ làm tăng bộ máy hành chính và chi phí quản trị.
Ngoài ra, các điều kiện chuyển tiếp từ Nghị định 42 so với nghị định mới chưa rõ ràng, như quy định về đào tạo viên, thẻ thành viên, hợp đồng tham gia bán hàng, chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức bán hàng đa cấp... Điều này sẽ gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện.
Theo đại diện AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ) tại Việt Nam, DN đa cấp hoạt động ở Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức liên quan đến thủ tục hành chính. Nghị định mới sẽ làm tăng thêm khó khăn và có thể đóng cửa ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Amcham đặc biệt quan ngại quy định yêu cầu DN bán hàng đa cấp đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký lại giấy chứng nhận bán hàng đa cấp trong vòng 6 tháng sau khi nghị định mới có hiệu lực.
Theo vị đại diện Amcham, cách đây 2 năm, DN đã mất nhiều thời gian, công sức, tài chính để đăng ký lại chứng nhận bán hàng đa cấp theo Nghị định 42. Do vậy, nên bổ sung hoặc đăng ký thêm điều kiện cho phù hợp quy định mới, chứ không cần phải đăng ký lại.
Quy định cũ đã bất cập Theo Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, sau 2 năm thực hiện, Nghị định 42 đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi để cải thiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc của DN và bảo vệ quyền lợi người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua phát sinh một số hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng đa cấp để huy động vốn, kinh doanh tiền ảo…, cần được chấn chỉnh sớm. |