|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Uy tín ngân hàng nhìn từ vụ việc PNB bị chiếm đoạt 1,8 tỷ USD

10:01 | 06/03/2018
Chia sẻ
Ngân hàng quốc doanh lớn thứ hai Ấn Độ - India’s Punjab National Bank (PNB) đã trở thành nạn nhân của chính nhân viên ngân hàng mình trong một vụ gian lận trị giá tới gần 1,8 tỷ USD. Vụ việc vừa xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng này ở Mumbai, Ấn Độ và tới nay, đây là vụ gian lận kỷ lục về giá trị thiệt hại trong ngành ngân hàng Ấn Độ.
uy tin ngan hang nhin tu vu viec pnb bi chiem doat 18 ty usd Một ngân hàng Ấn Độ bị phát hiện gian lận 1,8 tỉ USD

Người chiếm đoạt chỉ là nhân viên cấp thấp?

Những thông tin ban đầu về sự việc cho thấy, đây là vụ gian lận có liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng. Từ một chi nhánh của PNB tại Mumbai, một thư bảo đảm (Letters of Undertaking - LoUs) đã được phát hành cho một số công ty. Tính chất pháp lý của LoUs cho phép các công ty được bảo lãnh có thể sử dụng LoUs để xin cấp những khoản vốn ngắn hạn từ những chi nhánh tại nước ngoài của những ngân hàng khác trong hệ thống ngân hàng Ấn Độ.

uy tin ngan hang nhin tu vu viec pnb bi chiem doat 18 ty usd
Ngân hàng quốc doanh lớn thứ hai Ấn Độ - India’s Punjab National Bank (PNB) đã trở thành nạn nhân của chính nhân viên ngân hàng mình trong một vụ gian lận trị giá tới gần 1,8 tỷ USD. Vụ việc vừa xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng này ở Mumbai, Ấn Độ và tới nay, đây là vụ gian lận kỷ lục về giá trị thiệt hại trong ngành ngân hàng Ấn Độ.

Trong vụ việc này, LoUs được phát hành từ chi nhánh của PNB tại Mumbai, nhưng không được cập nhật vào hệ thống theo dõi của Ngân hàng. Tuy nhiên, với LoUs được cấp từ PNB, các công ty gian lận đã chiếm đoạt gần 113,94 tỷ rupee (tức gần 1,8 tỷ USD) của PNB thông qua việc đề nghị các ngân hàng Ấn Độ khác cấp các khoản tín dụng (khoản vay, L/C).

Vấn đề đáng quan tâm ở chỗ, nghi phạm nội bộ dẫn đến PNB bị chiếm đoạt số tiền khổng lồ có khả năng chỉ là 2 cán bộ cấp thấp của ngân hàng này. Theo cáo buộc của PNB, 2 nhân viên tại chi nhánh Brady House này đã thông đồng với những công ty gian lận, trong đó có công ty thuộc sở hữu của tỷ phú đá quý Ấn Độ - ông Nirav Modi. Các LoUs đã được phát hành trong khi những công ty gian lận không hề có tài sản bảo đảm, tiền gửi ký quỹ và không hề được PNB cấp bất kỳ hạn mức tín dụng nào trước đó.

Lỗ hổng nghiệp vụ và hành động của PNB

Trong vụ việc này, các LoUs từ PNB có được cập nhật trên hệ thống tin nhắn liên ngân hàng (SWIFT). Vấn đề ở chỗ, các LoUs không hề được cập nhật vào hệ thống lõi công nghệ (Core Banking) của PNB. Các đối tượng đã biết tận dụng thực tế giao dịch trên thị trường ngân hàng của Ấn Độ, hầu hết ngân hàng xử lý và theo dõi giao dịch bởi hệ thống SWIFT.

Trong khi đó, hệ thống này lại hoạt động độc lập với hệ thống Core Banking của từng ngân hàng. Chính vì vậy, các giao dịch tương tự đã diễn ra trong nhiều năm mà không bị phát hiện.

Chỉ cho đến giữa tháng 1 vừa qua, khi một công ty gian lận làm thủ tục thanh toán tiền nhập khẩu tại chính Chi nhánh Mumbai của PNB, vụ việc mới vỡ lở. Cụ thể, khi tiếp nhận hồ sơ giao dịch yêu cầu cấp tín dụng thanh toán tiền nhập khẩu cho bên bán ở nước ngoài của công ty này, Chi nhánh Mumbai đã yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.

Phía người đi giao dịch của công ty cho rằng, họ đã từng thực hiện nhiều giao dịch tín dụng tương tự, nhưng đâu có bị đòi hỏi về tài sản bảo đảm. Chi nhánh Mumbai của PNB lập tức tra cứu giao dịch, nhưng không tìm thấy bất kỳ thông tin nào liên quan trong hệ thống theo dõi của Ngân hàng. Khi đó, PNB mới biết mình bị gian lận chiếm đoạt tiền trong một khoảng thời gian dài.

Cho đến nay, cơ quan điều tra Trung ương của Ấn Độ (CBI) đã tiến hành bắt giữ 6 đối tượng là cán bộ của PNB và 6 người khác của các công ty gian lận. Rất nhiều tài sản của cá nhân và công ty của tỷ phú Modi cũng bị kê biên, thu giữ.

Vụ việc nói trên cũng là một tình huống thực tế đáng tham khảo cho phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam. Rủi ro con người là yếu tố có thể gây nên những hậu quả khủng khiếp cho ngân hàng trong hoạt động kinh doanh.

Không phải chỉ những vị trí cấp cao mới có thể phát sinh rủi ro kinh doanh, mà một nhân viên cấp thấp cũng có thể gây nên hậu quả cực lớn. Thiệt hại lớn cũng có thể xảy ra từ một phòng giao dịch nhỏ trong hệ thống ngân hàng.

Những công nghệ đổi mới, yếu tố tiện tích, giao dịch liên thông mang lại nhiều thuận tiện cho ngân hàng và khách hàng, cũng như nhiều doanh thu, lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng cũng có thể đem theo nhiều hậu quả lớn nếu ngân hàng không thường xuyên tìm hiểu rủi ro, tăng cường giám sát.

Nếu so sánh vụ việc nêu trên với những vụ việc gian lận chiếm đoạt tiền ngân hàng xảy ra tại Việt Nam, thì dù ở bất cứ quốc gia nào, rủi ro trong kinh doanh ngân hàng đều có nhiều điểm chung. Có lẽ, chỉ có một điểm khác biệt cho đến thời điểm này, đó là việc PNB đã cho rằng mình là nạn nhân và nhận trách nhiệm trước mắt về hậu quả thiệt hại do bị lừa gạt.

Chưa có ngân hàng đối tác nào bị thoái thác trách nhiệm theo hướng chờ và truy đòi từ những công ty lừa gạt. Ngân hàng PNB bị mất tiền, nhưng có vẻ họ chưa hề bị mất uy tín kinh doanh ngân hàng.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO