Ưu tiên phát triển các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm
Phát biểu tại hội thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức tại Hải Phòng chiều 30/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, trong quy hoạt cảng biển sắp tới cần ưu tiên phát triển các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trong thời gian qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, tạo động lực phát triển các khu kinh tế, công nghiệp - đô thị ven biển; đảm bảo tốt việc thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa bằng đường biển giữa các vùng miền trong cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
“Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã trải qua 20 năm thực hiện. Trong giai đoạn những năm 2000, hệ thống hàng hoá qua cảng biển nước ta mới chỉ đạt khoảng 82 triệu tấn. Tuy vậy, đến năm 2019, con số này đã tăng lên 654 triệu tấn và dự đoán hết năm 2020 có thể tăng lên 670 triệu tấn. Đây là một bước tiến mạnh và vượt trội của linh vực hàng hải", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhu cầu phát triển doanh nghiệp, càng ngày càng đòi hỏi việc phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải.
Bên cạnh đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá ngày một tăng cao. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vận tải đa quốc gia... dẫn tới yêu cầu về quy mô của hệ thống cảng biển ngày phải một mở rộng hơn, quy hoạch tốt hơn... để có thể đón được những chiếc tàu tầm cỡ quốc tế vào Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trước đây, Việt Nam không quy hoạch được diện tích đất sau cảng biển. Điều này dẫn tới việc sau khi làm cảng thì không có hệ thống logistics, không có nơi để chứa và đóng hàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không có cảng biển nào đảm bảo quy mô tầm quốc tế. Các cảng biển còn nhỏ trong khi lại thực hiện nhiều chức năng, dẫn tới việc manh mún, không thể đầu tư được cơ sở hạ tầng.
Đối với quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cảng biển ở Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải nhận định vẫn tồn tại một số bất cập như: chưa đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương và các ngành công nghiệp khác.
Tiếp đến là so với thời điểm xây dựng quy hoạch, đến nay kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa và đường sắt) đã có nhiều thay đổi, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố, khu du lịch, đô thị ven biển gây tình trạng ùn ứ trong hoạt động vận tải hàng hóa kết nối đến một số khu bến cảng biển.
Ngoài ra, một số bến cảng thuộc các cảng tổng hợp địa phương có kết cấu hạ tầng, trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, năng suất thấp, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thị trường hàng hải khu vực.
Với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu, giao lưu giữa các vùng, miền địa phương trong nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực bằng đường biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, hàng hóa thông qua cảng khoảng từ 1,14 tỷ đến 1,42 tỷ tấn/năm; hành khách khoảng từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách/năm. Đến năm 2050, hàng hóa qua cảng biển đạt khoảng từ 2,8 tỷ đến 3,3 tỷ tấn/năm; hành khách khoảng từ 14,4 đến 15,1 triệu lượt/năm. Đến năm 2050, đặt mục tiêu hàng hóa khoảng từ 2,85 tỷ tấn đến 3,35 tỷ tấn/năm; hành khách khoảng từ 14,4 đến 15,1 triệu lượt khách/năm...
Để thực hiện mục tiêu đó, cần ưu tiên phát triển các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm có tính chất động lực, gồm: Cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu; cảng cửa ngõ quốc tế tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tiếp nhận được tàu trọng tải lớn phù hợp xu thế phát triển đội tàu biển thế giới…Cùng đó, đưa ra danh mục đầu tư nâng cấp luồng tuyến, đường kết nối cảng biển theo thứ tự ưu tiên.
Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính khoảng 150 đến 200 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng); trong đó kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến khoảng 35 đến 40 nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến hết năm 2019, cả nước có 588 cầu cảng, gấp 4 lần năm 2000; tổng lượng hàng hóa thông qua đạt 664,6 triệu tấn (gấp 8 lần năm 2000).
Đồng thời, hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam tiếp nhận tàu container đến 132.000 tấn tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng) và 214.000 tấn tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu); các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, hàng lỏng đến 150.000 tấn, dầu thô đến 320.000 tấn cơ bản đã đạt được các mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2020.
Về tuyến vận tải đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển; trong đó, 25 tuyến vận tải quốc tế và 07 tuyến vận tải nội địa.
Ngoài các tuyến nội á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore).
Mặt khác, đã đưa vào khai thác 44 luồng hàng hải công cộng, 34 luồng hàng hải chuyên dùng, 94 đèn biển trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, 32 đài thông tin trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên cùng hệ thống thu nhận, truyền phát, cung cấp thông tin nhận dạng và theo dõi vị trí tàu, thuyền (LRIT) và hệ thống VTS lắp đặt tại các cảng biển lớn hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, giám sát vị trí tàu thuyền; giám sát, quản lý hoạt động hàng hải trong vùng nước cảng biển.