|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

UPCoM đón loạt cổ phiếu hàng tiêu dùng

11:16 | 16/11/2016
Chia sẻ
Sau Habeco, một loạt doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, chủ sở hữu của những sản phẩm nổi tiếng như nước mắm, sữa đậu nành, trà bí đao, kem… chuẩn bị gia nhập thị trường.

2 “ông lớn” danh tiếng

Ngày 15/11 tới đây, doanh nghiệp chủ quản của Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam -VINASOY, Bánh kẹo Biscafun, Nước khoáng Thạch Bích… là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS) sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện các thủ tục lên sàn UPCoM.

Không khó lý giải lý do QNS được thị trường đón đợi, khi đây là một trong số những công ty thực phẩm có tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam. Khởi đầu là một công ty mía đường nhưng hiện nay, QNS đã mở rộng hoạt động sang sản xuất bia, nước giải khát, bánh kẹo, sữa đậu nành. Trong đó, mảng sữa đậu nành mang lại lợi nhuận đáng kể nhất cho Công ty.

9 tháng năm 2016, QNS đạt doanh thu thuần hợp nhất 5.261 tỷ đồng và lãi sau thuế 807 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam VINASOY đóng góp doanh thu hơn 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận xấp xỉ 560 tỷ đồng. Mặc dù, kết quả này lần lượt giảm 12% và 9% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên, EPS Công ty vẫn duy trì ở mức trên 5.000 đồng.

QNS hiện có vốn điều lệ hơn 1.875 tỷ đồng, tổng tài sản đến cuối tháng 9/2016 đạt 5.663 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.308 tỷ đồng. Theo Báo cáo thường niên 2015 của Công ty, QNS chỉ có 2 cổ đông lớn là Công ty TNHH Thương mại Thành Phát và nhóm cổ đông gồm vợ chồng Chủ tịch HĐQT lần lượt nắm giữ 16,18% và 7,42% vốn điều lệ khi đó của QNS là 1.410 tỷ đồng.

Một tên tuổi lớn khác cũng cùng lúc chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký chứng khoán phục vụ việc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – mã MSF).

Là con gà đẻ trứng vàng của Tập đoàn Masan, nếu gia nhập UPCoM, Masan Consumer có thể cung cấp thêm cho thị trường khoảng hơn 500 triệu cổ phiếu. Hiện nay, Masan Consumer có vốn điều lệ gần 5.382 tỷ đồng, tương đương hơn 538 triệu cổ phiếu, với 18 triệu cổ phiếu quỹ. Trong đó, công ty mẹ Masan Consumer Holdings nắm giữ 504,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 97,01% vốn.

Với thị phần lớn cùng sản phẩm đa dạng từ nước chấm, mì ăn liền, bia, cà phê, nước khoáng, hoạt động kinh doanh của Masan Consumer đều đặn thu về mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. 9 tháng năm 2016, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần 9.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng 1.684 tỷ đồng, giảm 4,15% . EPS 9 tháng ở mức 3.177 tỷ đồng.

Tính tới thời điểm 30/9/2016, tổng tài sản của Masan Consumer đạt 15,926 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 11.203 tỷ đồng với gần 1.587 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Những “tên tuổi” một thời

Dù không có quy mô và sức ảnh hưởng lớn như 2 ông lớn kể trên, một số doanh nghiệp sở hữu sản phẩm tiêu dùng đáng chú ý cũng sắp lên UPCoM trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Thủy Tạ vừa được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu với mã TTJ.

Công ty Thủy Tạ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ được thành lập từ tháng 5/1958. Là doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2006, hiện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vẫn nắm giữ 51,25% vốn điều lệ Công ty.

Thực tế hoạt động kinh doanh của Thủy Tạ không có nhiều biến động trong những năm gần đây. 2 năm 2015 và 2014, kết quả kinh doanh của Công ty xấp xỉ nhau, duy trì ở mức doanh thu 103 tỷ đồng và lợi nhuận 6,3 tỷ đồng.

Hiện tại, kem vẫn là mảng kinh doanh nổi tiếng nhất của Thủy Tạ với doanh thu hàng năm từ 40 - 50 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận gộp đang có xu hướng đi xuống và thua kém so với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Điều này phần nào hiểu được khi Thủy Tạ đối mặt với sức cạnh tranh lớn trên thị trường kem, trong khi mảng kinh doanh nhà hàng vẫn được duy trì nhờ sở hữu vị trí kinh doanh đắc địa tại khu vực phố cổ Hà Nội.

Một doanh nghiệp khác nổi tiếng với thương hiệu trà bí đao Wonderfarm, từng niêm yết tại HOSE sẽ sắp sửa trở lại UPCoM những ngày tới đây.

Cụ thể, ngày 16/11, Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế (Interfood) sẽ đưa hơn 87 triệu cổ phiếu IFS lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 3.000 đồng/cổ phần. Interfood là doanh nghiệp 100% vốn ngoại, hiện có chủ sở hữu là Kirin Holding Singapore Pte. Ltd (sở hữu 95,66% vốn).

Lĩnh vực kinh doanh chính của IFS là sản xuất nước trái cây, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến từ nông thủy sản khác. Interfood sở hữu 2 thương hiệu lớn là Wonderfarm và Kirin với các sản phẩm được biết đến là trà bí đao, nước yến Ngân Nhĩ, nước giải khát Ice+…

IFS từng hoạt động trên sàn HOSE nhưng bị hủy niêm yết từ năm 2013 do lỗ vượt quá vốn điều lệ thực góp thời điểm đó (381,4 tỷ đồng). Tính đến 30/6/2016, IFS vẫn còn lỗ lũy kế hơn 845 tỷ đồng trên vốn điều lệ 871,4 tỷ đồng. Sau khi hủy niêm yết, IFS lỗ liên tiếp 2 năm 2014, 2015, 6 tháng đầu năm mới bắt đầu có lãi hơn 7,6 tỷ đồng.

Nguyễn Gia

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.