|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6%

15:17 | 31/03/2023
Chia sẻ
Với sự khởi đầu tương đối thấp trong quý I, điều này nhiều khả năng sẽ làm giảm kết quả tăng trưởng của cả năm, do đó Ngân hàng UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống mức 6%.

Trong báo cáo mới cồng bố, Ngân hàng UOB cho biết hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 xuống 6% từ mức dự báo trước đó là 6,6% sau khi Việt Nam ghi nhận kết quả tăng trưởng thấp trong quý I năm 2023.

Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý I giảm sâu xuống mức tăng chỉ 3,32% so với cùng kỳ, từ mức 5,92% trong quý IV năm 2022, thua xa mức dự báo chung cũng như mức dự báo của UOB. Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng thấp là do lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng âm với mức giảm 0,4%, lần đầu tiên kể từ quý III/2021.

Theo UOB, nguyên nhân chính khiến lĩnh vực sản xuất hoạt động kém hiệu quả chủ yếu đến từ nhu cầu bên ngoài sụt giảm, vốn đã được dự báo trước. Xuất khẩu trong quý I giảm 11,9% so với cùng kỳ xuống còn 79,2 tỷ USD, so với mức tăng 12,9% của cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 14,7%, dẫn đến thặng dư thương mại 4,1 tỷ USD trong quý và là quý thứ ba liên tiếp thặng dư. 

Nhu cầu trên toàn cầu cho thấy sự suy giảm rõ rệt do việc thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra toàn cầu, phản ánh rõ nét thông qua việc xuất khẩu sang Mỹ trong quý I năm 2023 chỉ đạt tổng cộng 20,6 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ. Điện thoại thông minh và hàng may mặc, một trong những mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam, đã giảm lần lượt ở mức 15% và 17,4% so với cùng kỳ xuống 13 tỷ USD và 7,2 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.

Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay. Tại họp báo công bố báo cáo kinh tế xã hội tháng 3 và quý I năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5%, quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%.

Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra. Theo bà Hương, nguyên nhân chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo sụt giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày cũng giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.  

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I. 

 

Hồi giữa tháng 3, World Bank dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay khoảng 6,3% trong năm nay, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,5%, nguyên nhân là do giá điện, tiền lương đều dự kiến tăng trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra mức dự báo tương tự, khoảng 6,2%.

Trước đó, HSBS dự báo mức 5,8% và nhận định những thách thức với kinh tế Việt Nam xuất phát từ những trở ngại về thương mại gia tăng. Ngân hàng này đánh giá, suy thoái kinh tế ở Mỹ càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì Mỹ là thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Anh Đào