|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới

11:24 | 19/04/2021
Chia sẻ
Đây là thông tin được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong buổi làm việc giữa tân Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: SBV).

Báo cáo về tình hình hoạt động ngành ngân hàng tại buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN luôn đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt là kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Vấn đề tín dụng là vấn đề NHNN luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ…

Đáng chú ý, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các TCTD vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.

Về những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc chia sẻ thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô, Thống đốc lo ngại.

Do đó, Thống đốc mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo để phát triển thị trường tài chính theo hướng hài hoà giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Cùng với đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đưa ra một trong những vấn đề quan tâm lớn hiện nay của ngành là  tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước. Thời gian qua, Agribank mới được tăng 3.500 tỷ đồng.

Bà cho rằng nếu không bổ sung vốn kịp thời thì sẽ dẫn tới hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần của khối này, khó hiện thực hoá chỉ tiêu có ít nhất 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực Châu Á theo chiến lược ngành đã đề ra.

Đối với việc xử lý các ngân hàng mua 0 đồng, bà nhận định đây là việc khó, chưa có tiền tệ, đòi hỏi sự đồng thuận, thống nhất và sự quyết tâm cao mới có thể thực hiện được.

Thống đốc cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong việc phát triển ngân hàng số, ứng dụng công nghệ, trong đó vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu hàng lang pháp lý đồng bộ cho vấn đề mới phát sinh như vấn đề cho vay ngang hàng, quảy lý tiền điện tử, tiền kỹ thuất số…

Đồng thời, việc triển khai các dịch vụ trên cơ sở đổi mới, sáng tạo có thể phát sinh rủi ro mà thời điểm hiện tại chưa nhận diện được, cần có cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng xử với rủi ro phù hợp để giảm áp lực cho cơ quan và nhân lực thực hiện.

Diệp Bình