Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Hợp đồng vay lại gặp vướng mắc
Ngày 8-3, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, về việc ký kết hợp đồng cho vay lại nguồn vốn ODA, vay ưu đãi cho các dự án đường sắt đô thị TPHCM, UBND TP đề xuất Bộ Tài chính đề xuất giá trị hợp đồng vay tạm thời sử dụng giá trị thiết bị được duyệt theo quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư.
Cụ thể, đối với dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, giá trị hợp đồng vay lại là giá trị mua sắm thiết bị được duyệt trong Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 6-4-2007 với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng (tương đương hơn 327 triệu USD theo tỷ giá thời điểm ký). Đối với dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương giá trị hợp đồng vay lại là giá trị mua sắm thiết bị được duyệt trong Quyết định số 4474/QĐ-UBND ngày 11-10-2010 là 5.198 tỷ đồng (tương đương 273,6 triệu USD theo tỷ giá thời điểm ký). Theo đó, giá trị cho vay lại sẽ được điều chỉnh bằng phụ lục hợp đồng sau khi tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được thông qua.
Theo UBND TPHCM, ngày 14-7-2017, UBND TP đã thực hiện ký kết hợp đồng cho vay lại vốn vay của Chính phủ Nhật Bản áp dụng cho hiệp định vay VN11-P7 số 18/2017/BTC-QLN tài trợ cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên với nội dung: “Trị giá cho vay lại là tổng số vốn thực rút theo hiệp định vay quy ra đồng yên Nhật (JPY) để chi cho hạng mục mua sắm thiết bị của dự án theo thông báo rút vốn của JICA”.
Do Bộ Tài chính đã có Công văn số 3376/BTC-QLN ngày 14-3-2017 trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị trong điều kiện chưa xác định được chính xác số tiền cho vay lại, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính ký hợp đồng cho vay lại với UBND TP. Trong đó, giá trị cho vay lại là “tổng số vốn thực rút từ hiệp định vay quy ra đồng yên Nhật (JPY) để chi cho hạng mục mua sắm thiết bị của dự án theo thông báo rút vốn của JICA” và đã được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chấp thuận. Vì thế, hiện nay hợp đồng vay vẫn gặp vướng mắc về nội dung xác định trị giá phần vay lại.