|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tương lai kinh tế-chính trị của nước Anh sau cuộc bầu cử ngày 12/12 tới (Phần 2)

07:18 | 11/12/2019
Chia sẻ
Nếu kết quả bầu cử dẫn đến một Quốc hội treo khi đảng Bảo thủ không nắm được đa số ghế tại Hạ viện, tỉ lệ ủng hộ ông Johnson có thể sẽ giảm, song không có nghĩa ông Johnson sẽ bị mất chức.
Tương lai kinh tế-chính trị của nước Anh sau cuộc bầu cử ngày 12/12 tới (Phần 2) - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu kết quả Quốc hội treo

Là một Thủ tướng (cho rằng ông Johnson sẽ không từ chức), ông Johnson sẽ đối mặt khó khăn khi thành lập một Chính phủ thiểu số.

Cho dù đảng của ông chiếm đại đa số vị trí trong Chính phủ hay không thì việc tìm được những đối tác ủng hộ ông Johnson là điều rất khó khăn.

Đảng liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP) rất không thích thỏa thuận Brexit của ông Johnson, trong khi đảng Dân chủ Tự do (Lib Dems) tuyên bố họ sẽ không đến gần đảng Bảo thủ vì họ muốn đảo ngược Brexit. 

Nếu ông Johnson thất bại trong việc thành lập Chính phủ và Công đảng lại thực hiện điều này, ông Johnson sẽ gặp phải rắc rối lớn.

Và nếu như Công đảng có cơ hội, họ sẽ liên minh với đảng SNP và nhất trí ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý độc lập lần hai của SNP, có thể sẽ diễn ra trong khoảng hai năm tới. 

Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do tuyên bố họ không nghĩ đến việc sẽ liên minh với Chính phủ của Công đảng nếu đảng này vẫn do ông Corbyn lãnh đạo. Nếu vậy, ông Corbyn có thể sẽ phải chịu sức ép, lùi sang một bên.

Đối với vấn đề Brexit, Quốc hội treo nhiều khả năng sẽ khiến kế hoạch rời EU của ông Johnson vào ngày 31/1/2020 phải dừng lại và mở ra một con đường có thể dẫn tới việc Anh ở lại trong EU.

Với việc không nắm được đại đa số ghế và với sự phản đối của đảng DUP, thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Johnson khó lòng được thông qua tại Hạ viện trừ khi ông đồng ý cho cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai theo đề nghị của DUP, cùng với một lựa chọn khác nữa là ở lại trong EU.

Đối với vấn đề kinh tế, thuế và chi tiêu ngân sách, tiền sẽ là trọng tâm của các cuộc đàm phán giữa các đảng phái tại các cuộc tranh cãi đối với những thỏa thuận cho một chính phủ thiểu số.

Những kế hoạch chi tiêu ngân sách của cả đảng Bảo thủ và Công đảng đưa ra trong thời kỳ diễn ra tranh cử nhiều khả năng sẽ không thể tồn tại được do thỏa thuận giữa các đảng.

Sau cuộc bầu cử năm 2017, đảng DUP đã đưa ra một mặc cả là đổi lấy sự ủng hộ của đảng này cho Chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May, lấy thêm được 1 tỷ bảng Anh ngân sách cho Bắc Ireland, đổi lại họ tham gia vào thỏa thuận "tin tưởng và đáp ứng".

Nếu như đảng Dân chủ Tự do và SNP ủng hộ chính phủ của Công đảng, thì cả hai đảng này cũng sẽ đưa ra yêu cầu về phân bố nguồn tài chính.

Về tương lai liên hiệp Anh, một Quốc hội treo có thể dẫn tới hoặc làm tổn hại mục đích độc lập của Scotland. 

Nếu như càng nhiều bế tắc, trở ngại tại Hạ viện thì sẽ càng dẫn đến khả năng cao về cuộc trưng cầu dân ý Brexit lần hai và cuộc bỏ phiếu ở lại đồng nghĩa với việc Anh sẽ ở lại trong EU, lập trường ủng hộ cho độc lập Scotland sẽ bị lung lay.

Tuy nhiên, nếu như đảng SNP đóng vai trò quyết định đối với chính phủ thiểu số của Công đảng, họ sẽ chỉ đưa ra ủng hộ nếu như nhận được đảm bảo từ Công đảng là sẽ ủng hộ cho cuộc bỏ phiếu độc lập lần nữa. 

Ông Jeremy Corbyn từng nói ông sẽ không ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý độc lập Scotland lần hai ít nhất trong vòng hai năm tới. Điều này có thể hiểu là ông có thể ủng hộ đề xuất này sau 2 năm.

Nếu Công đảng chiến thắng nắm đa số ghế

So sánh với chiến thắng của đảng Bảo thủ, một chính phủ thiểu số của Công đảng có thể sẽ tạo ra thái độ lạc quan tích cực tức thì ít hơn, nhưng điều này sẽ làm giảm bớt việc tăng thêm chi tiêu công, và tạo ra khả năng có thể không xảy ra Brexit sau khi diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý Brexit lần thứ hai.

Mặc dù quan điểm chính của Viện nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế và và Xã hội (NIERS) là tác động của chính sách tài khóa bị hạn chế bởi năng lực vận hành của nền kinh tế không được khai thác hết, tổ chức này cho rằng về lý thuyết nếu có sự nới lỏng hơn nữa thì Công đảng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mức 3% trong vòng 4 năm.

Dù vậy, tổ chức này cũng nhấn mạnh họ nghĩ điều này trên thực tế là không thể có và vấn đề Brexit chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngày càng to lớn đối với vấn đề hiệu quả kinh tế trong những năm tới.

Khi đặt các yếu tố tài chính công và những giả định Brexit lên bàn cân, NIERS đánh giá nếu một chính phủ do Công đảng dẫn dắt dẫn với việc Anh ở lại trong EU, dự đoán tăng trưởng kinh tế Anh trong thời kỳ 2020-2024 sẽ chỉ tăng thêm 0,4 điểm phần trăm, ít hơn 2,7 điểm phần trăm so với kịch bản Chính phủ do đảng Bảo thủ dẫn dắt và nước Anh ra khỏi EU.

Về mặt chính trị, nếu như kịch bản Công đảng chiến thắng nắm đa số ghế xảy ra, ông Corbyn sẽ bước vào phố Downing, và nhiều khả năng cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra sau 5 năm nữa trừ khi ông quyết định trao lại quyền lãnh đạo sớm hơn.

Đối với vấn đề Brexit, Công đảng sẽ cố gắng để khởi động lại cuộc đàm phán với EU theo nội dung thỏa thuận Brexit và sẽ thực hiện mục tiêu tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần hai, trong khi vẫn giữ lựa chọn khác.

Công đảng đã hứa là kết quả của cuộc trưng cầu ý dân sẽ mang lại tính pháp lý. Điều này có nghĩa là Hạ Viện phải thực thi theo kết quả này. 

Về tương lai của liên hiệp Anh, nếu như cuộc trưng cầu dân ý lần hai xảy ra và kết quả là Công đảng vẫn sẽ thực hiện Brexit thì khi đó sức ép cho cuộc trưng cầu dân ý độc lập Scotland lần hai sẽ vẫn là vấn đề căng thẳng gay cấn.

Nếu như Công đảng tiến hành thực hiện thỏa thuận Brexit của mình mà không có vấn đề hải quan đường biên giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh, hoặc một cuộc trưng cầu dân ý và một kết quả ở lại EU, thì vấn đề Brexit gây ra căng thẳng trên đảo Ireland cũng sẽ giảm nhiệt và vấn đề kêu gọi thống nhất Bắc - Nam đảo Ireland của những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland cũng sẽ giảm đi.

Diễm Quỳnh