Tương lai kinh tế - chính trị của nước Anh sau cuộc bầu cử ngày 12/12 tới (Phần 1)
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau 5 tuần của chiến dịch vận động tranh cử, các cuộc thăm dò dự báo kết quả đều cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền hiện đang dẫn trước Công đảng, song rất ít nhà phân tích chính trị Anh muốn đưa ra dự đoán kết quả của cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 12/12 tới.
Tờ Guardian trong chuyên mục phân tích cuộc tổng tuyển cử năm 2019 số ra ngày 8/12 cho biết, chuyên gia thăm dò dư luận về cuộc bầu cử sắp tới Sir John Curtice - hiện là Giáo sư Chính trị tại trường Đại học Strathclyde, đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu xã hội độc lập hàng đầu nước Anh NatCen Social Research - tuần trước đã khẳng định rằng không có gì đảm bảo chắc chắn Thủ tướng Boris Johnson sẽ thành công như mong đợi.
Sir John Curtice chỉ ra rằng nếu Công đảng tăng được tỷ lệ ủng hộ trong nhóm các cử tri thuộc phe "ở lại" trong ngày bỏ phiếu thì điều này cũng không có gì là ngạc nhiên.
Mặc dù vậy, Sir John Curtice và nhiều nhà phân tích chính trị khác sẽ không đi xa hơn nhận định cho rằng kết quả của cuộc tổng tuyển cử 12/12 sẽ xảy ra 3 khả năng.
Một là đảng Bảo thủ giành chiến thắng nắm đa số ghế tại Hạ Viện, hai là xảy ra kết quả quốc hội treo và cuối cùng (tuy có rất ít khả năng xảy ra tại thời điểm này) là Công đảng giành chiến thắng đại đa số.
* Nếu đảng Bảo thủ giành chiến thắng
Kết quả tổng tuyển cử Anh sẽ được công bố vào lúc rạng sáng 13/12 giờ địa phương, các nhà kinh tế Anh từ các tổ chức nghiên cứu độc lập đã đưa ra những nhận định rất khác nhau về tương lai kinh tế Anh sau bầu cử.
Theo đánh giá của tổ chức Captial Economics, nếu kết quả bầu cử là đảng Bảo thủ chiến thắng nắm đại đa số ghế tại Hạ viện sẽ "mang lại kết quả tốt nhất cho nền kinh tế", trong khi City Group thì đưa ra dự báo chiến thắng cho đảng Bảo thủ sẽ dẫn đến "suy thoái kinh tế năm 2021 và phục hồi nhẹ sau đó".
Đầu tiên, đối với kịch bản đảng Bảo thủ giành chiến thắng và nắm đại đa số ghế tại Hạ Viện. Đây là kịch bản mà Thủ tướng Boris Johnson cho rằng là cách duy nhất để tháo gỡ bế tắc Brexit tại Hạ viện.
Khi đó ông Johnson sẽ bước vào số 10 phố Downing và ở đó ít nhất là cho đến khi một cuộc khủng hoảng Brexit khác bùng nổ (điều này có thể xảy ra vào cuối năm 2020).
Trong khi đó, với việc thất bại trong những nỗ lực nhằm đánh bại đảng Bảo thủ lần thứ hai, gần như chắc chắn ông Jeremy Corbyn sẽ bị loại khỏi vị trí lãnh đạo Công đảng. Câu hỏi lớn được đặt ra là khi nào điều này sẽ xảy ra?
Liệu ông Corbyn sẽ tại vị thêm một thời gian ngắn nữa để "tự suy ngẫm" như người đứng đầu tổ chức Unite là ông Len McCluskey nhận định hay không?
Đối với vấn đề Brexit, ông Johnson sẽ đạt được mong đợi đó là thỏa thuận Brexit của ông được Hạ Viện thông qua và nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/1/2020. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa câu chuyện dài nhiều tập Brexit sẽ kết thúc.
Nước Anh khi đó sẽ bước sang giai đoạn thời kỳ chuyển đổi. Trong thời gian này, "xứ sở sương mù" cần phải đạt được thỏa thuận thương mại với EU để tránh việc rời đi mà không đạt được thỏa thuận thương mại vào cuối năm 2020.
Nếu như ông Johnson muốn gia hạn thời kỳ chuyển đổi, ông có thể yêu cầu EU, nhưng ông sẽ phải đưa ra đề xuất của mình, chậm nhất là cuối tháng 6/2020.
Tuy nhiên, ông Johnson từng nói ông sẽ không xin gia hạn cho dù có bất cứ tình huống nào. Dù vậy, những thỏa thuận thương mại thường phải mất vài năm để đàm phán và thông qua, không thể chỉ trong có vài tháng.
Điều này khiến Chính phủ của ông Johnson có thể sớm phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng Brexit toàn diện - với những tranh cãi tương tự về việc cần gia hạn thêm thời hạn và sự nguy hiểm của việc rời EU mà không có thỏa thuận thương mại.
Đối với vấn đề kinh tế, thuế và chi tiêu ngân sách, một thông điệp chính trong chiến dịch tranh cử của đảng Bảo thủ đó là chấm dứt thời kỳ thắt lưng buộc bụng. Có thể, đảng Bảo thủ của ông Johnson sẽ nới lỏng ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid đã hứa sẽ tăng chi ngân sách thêm 13,8 tỷ bảng cho nước Anh trong năm 2021, trong đó sẽ tăng thêm ngân sách cho lĩnh vực y tế công NHS, trường học và lực lượng cảnh sát.
Thủ tướng Johnson cam kết sẽ cắt giảm mức đóng thuế an sinh xã hội, kinh doanh, thuế xây dựng và thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Một số nhà kinh tế tin rằng nếu đảng Bảo thủ chiến thắng giành được đại đa số ghế sẽ làm gia tăng độ tin tưởng và hiệu quả kinh tế trong ngắn hạn.
Samuel Tombs, nhà kinh tế học tại Pantheon Macroeconomics, người đưa ra đánh giá dựa trên một số tiến bộ khiêm tốn gần đây về cảm nhận kinh doanh sau khi Thủ tướng Johnson đạt được thỏa thuận rút khỏi EU mới của ông, cho rằng hướng đi của kinh tế Anh dường như cho thấy một tương lai hồi phục hoàn toàn niềm tin sẽ xảy ra vào đầu năm 2020, nếu như đảng Bảo thủ chiến thắng giành đa số ghế tại Hạ Viện.
Mặc dù vậy, không phải tất cả các nhà kinh tế đều nhìn nhận như vậy. Một số nhà kinh tế khác lại chỉ ra một số kế hoạch hạn chế của đảng Bảo thủ để tăng đầu tư công có thể sẽ hạn chế việc thúc đẩy trực tiếp tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ có thể mang lại.
Allan Monks, nhà kinh tế học tại JPMorgan cho rằng bất cứ "sự thúc đẩy tài khóa" từ các chính sách của đảng này sẽ nhanh chóng dừng lại và sẽ quay "trở về tình trạng trung lập từ năm 2021".
Hơn thế nữa, nhiều điểm trong các dự đoán đã hoàn toàn phớt lờ yếu tố Brexit cho dù hầu hết các nhà kinh tế đều nhận thấy rõ là chiến thắng giành đại đa số ghế tại Hạ Viện của đảng Bảo thủ có thể sẽ dẫn đến mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU trở nên xa cách hơn, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh tế của Anh.
Trong khi đó, đối với vấn đề tương lai của liên hiệp Anh, Brexit đã làm nóng lên các cuộc tranh luận về vấn đề độc lập Scotland.
Nếu như đảng Bảo thủ thành lập được Chính phủ đa số của mình và đảng Dân tộc Scotland (SNP) - đảng có quan điểm chống Brexit - nắm giữ ghế đại diện tại vùng phía Bắc đường biên giới, sức ép về cuộc trưng cầu dân ý độc lập tại Scotland lần hai sẽ được đẩy mạnh.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết đảng của bà sẽ thúc đẩy để có cuộc trưng cầu dân ý độc lập diễn ra vào năm 2020 hoặc 2021.
Thỏa thuận Brexit của ông Johnson sẽ tạo ra đường biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh, sẽ dẫn đến những kêu gọi từ những người theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa Ireland đòi tiến hành trưng cầu dân ý về việc thống nhất Bắc, Nam trên đảo Ireland.