Từng là thủ phủ của tỉnh Hà Tây cũ, vì sao quận Hà Đông vẫn chưa phát triển như kỳ vọng?
Theo Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, lãnh đạo thành phố vừa có buổi làm việc Quận uỷ Hà Đông về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Hà Đông cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư xã hội của quận đạt 49.450 tỷ đồng, tương ứng 46,48% kế hoạch năm. Thu ngân sách đạt hơn 2.037 tỷ đồng (38,7% dự toán giao); thu ngân sách địa phương hơn 3.693 tỷ đồng.
Tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của quận là 3.814 tỷ đồng. Năm 2021 giải ngân 615 tỷ đồng; năm 2022 giải ngân 463 tỷ đồng; đến 30/6/2023, đã giải ngân 255 tỷ đồng (43% kế hoạch vốn năm 2023.
Quận Hà Đông đã đề nghị thành phố làm việc với nhà đầu tư Dự án xây dựng các tuyến đường đấu nối hạ tầng các khu dân cư quận Hà Đông cam kết tiến độ thực hiện, nếu vướng mắc không tiếp tục triển khai đề nghị cho dừng thực hiện dự án BT chuyển sang hình thức đầu tư công và giao quận làm chủ đầu tư. Nguồn thực hiện từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng.
Cùng với đó, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư các khu đô thị mới cam kết tiến độ thực hiện, sớm đầu tư trường học hoặc bàn giao quỹ đất cho quận thực hiện đầu tư công đáp ứng nhu cầu trường học trên địa bàn…
Chưa được đầu tư đúng mức?
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng cần nhìn nhận Hà Đông là quận trung tâm không giống các quận khác, bởi, vốn dĩ Hà Đông trước là thành phố trực thuộc tỉnh, là trung tâm văn hóa, chính trị hành chính của tỉnh Hà Tây trước đây.
Do đó, xét về quy mô, tính chất, văn hóa, lịch sử, địa chính trị, khi mở rộng địa giới hành chính, thì quận chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức như một trung tâm đô thị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh phải xác định đây là thế mạnh, là động lực để phát triển khu vực phía tây của thành phố. Quận Hà Đông phải quan tâm, tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế do lịch sử để lại.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hà Đông không chỉ là một quận mà còn là trung tâm của tỉnh Hà Sơn Bình trước đây. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ thiết chế văn hoá tại đây không có. Do đó, đề nghị quận khi thực hiện quy hoạch phải quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa; cần làm sớm quy hoạch làng nghề lụa Vạn Phúc để thúc đẩy du lịch của quận.
Hiện nay, Trung tâm văn hoá tại phố Phùng Hưng, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý hiện nay không sử dụng, đồng chí đề xuất nên giao cho quận Hà Đông quản lý để khai thác, sử dụng.
Còn theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhận định Hà Đông có lợi thế với làng nghề truyền thống, là trung tâm chính trị của tỉnh Hà Sơn Bình và Hà Tây trước đây. Tuy nhiên, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, quận chưa phát huy được tiềm năng để phát triển. Khó khăn nhất của quận là tăng dân số quá nhanh tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị quận cần quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối các đô thị hiện có, tập trung giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý đất đai; quyết tâm tháo gỡ từng dự án chậm triển khai và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là tại sông Nhuệ.
Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhìn nhận, thời gian tới quận cần làm tốt các dự án BT; rà soát lại toàn bộ quỹ đất liên quan đến xây dựng hạ tầng xã hội tại các khu đô thị trên địa bàn; triển khai sớm GPMB để triển khai các dự án giao thông…