|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ tháng 6, khoán kinh phí sử dụng ô tô công, không nhập khẩu máy móc cũ quá 10 năm tuổi

17:51 | 01/06/2019
Chia sẻ
Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công; nhập khẩu máy móc cũ; giảm số lượng công chức cấp xã... là những chính sách mới đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 6/2019.

Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công

Thông tư 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2019.

Từ tháng 6, khoán kinh phí sử dụng ô tô công, không nhập khẩu máy móc cũ quá 10 năm tuổi - Ảnh 1.

Thông tư của Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2019. Ảnh minh họa.

Theo đó, xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công như sau:

1. Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định:

a) Hình thức khoán theo km thực tế:

Mức khoán (đồng/tháng) = Số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km) x Số ngày làm việc thực tế trong tháng (ngày) x Đơn giá khoán (đồng/km)

b) Hình thức khoán gọn:

Hình thức khoán gọn được áp dụng đối với tất cả các chức danh hoặc áp dụng đối với từng chức danh. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng mức khoán gọn đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, khoảng cách từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại của các chức danh nhận khoán. Mức khoán được xác định như sau:

Mức khoán (đồng/ tháng) = Số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km) x Số ngày đưa đón bình quân hàng tháng (ngày) x Đơn giá khoán (đồng/km)

Không nhập khẩu máy móc cũ quá 10 năm tuổi

Quyết định 18/2019 của Thủ tướng quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, có hiệu lực từ ngày 15/6, đưa ra một số tiêu chí nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng như sau: Tuổi thiết bị không quá 10 năm; riêng một số loại máy móc, thiết bị lĩnh vực cơ khí, sản xuất, chế biến gỗ, sản xuất giấy và bột giấy cho phép có tuổi không quá 15 - 20 năm.

Máy móc, thiết bị phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy chuẩn Việt Nam về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong các trường hợp các nước xuất khẩu đã loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường...

Giảm số lượng của cán bộ, công chức cấp xã

Từ ngày 25/6, Nghị định 34/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ có hiệu lực.

Theo đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giảm xuống chỉ còn: Loại 1: Tối đa 23 người (trước đây là 25 người); loại 2: Tối đa 21 người (trước đây là 23 người); loại 3: Tối đa 19 người (trước đây là 21 người).

Đối với xã, thị trấn bố trí Trưởng công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức giảm một người. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã...

Ngoài ra Nghị định cũng quy định cử nhân có bằng đại học loại giỏi sẽ được tuyển thẳng vào công chức cấp xã, thay vì trải qua xét tuyển như hiện nay.

Quy định khai thác hạ tầng giao thông đường bộ

Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ban hành ngày 23/4/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ 17/6/2019.

Theo đó, mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy định mới về đấu thầu cung cấp dịch vụ công

Nghị định 32/2019/NĐ-CP ban hành ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sảm phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ 1/6/2019.

Bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ

Thông tư 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ có có hiệu lực thi hành từ 3/6/2019. Theo Thông tư, bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là hình thức bán cổ phần của doanh nghiệp công khai cho các đối tượng có sự cạnh tranh về giá, trên cơ sở tham khảo nhu cầu của thị trường.

Việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần theo phương thức dựng sổ phải đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn vốn, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Khánh Hà

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.