|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ sáng mai 7-11, chia Tân Sơn Nhất thành 2 phân khu điều hành bay riêng biệt

20:44 | 06/11/2019
Chia sẻ
Từ 7 giờ sáng mai 7-11, Tân Sơn Nhất là sân bay đầu tiên của Việt Nam được áp dụng giải pháp phân chia khu vực trách nhiệm của vị trí kiểm soát mặt đất nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại một số khung giờ cao điểm.

Thông tin từ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết từ 7 giờ sáng ngày 7-11, Tổng công ty chính thức triển khai áp dụng phương án phân chia khu vực trách nhiệm của vị trí kiểm soát mặt đất (Ground Control Unit) tại sân bay Tân Sơn Nhất thành 2 phân khu điều hành bay riêng biệt. 

Đây là một trong những giải pháp góp phần nâng cao năng lực khai thác mặt đất của sân bay Tân Sơn Nhất trước đà tăng trưởng hoạt động bay trung bình đạt hơn 700 chuyến/ngày.

Từ sáng mai 7-11, chia Tân Sơn Nhất thành 2 phân khu điều hành bay riêng biệt - Ảnh 1.

Sơ đồ phương án phân chia khu vực trách nhiệm của vị trí GCU Tân Sơn Nhất

Trước đó, việc dự án mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79 ha đất quân sự vừa hoàn thành vào giữa năm 2019 đã giúp tăng tổng số vị trí đỗ máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất lên đến 104 vị trí. 

Thực tế này trước mắt đã khắc phục được một phần tình trạng quá tải vị trí đỗ và nâng cao năng lực khai thác mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đồng thời cũng làm tăng khối lượng công việc của kiểm soát viên không lưu (KSVKL) trực tại vị trí Kiểm soát mặt đất do phải giám sát, điều hành máy bay với số lượng vị trí đỗ nhiều hơn. 

Bên cạnh đó mật độ máy bay và phương tiện di chuyển trên đường lăn, sân đỗ dày đặc hơn dẫn đến tính chất hoạt động mặt đất cũng trở nên phức tạp hơn.

Hiện nay tại Tân Sơn Nhất chỉ có 1 KSVKL trực tiếp điều hành và 1 KSVKL thực hiện công tác phối hợp hiệp đồng tại vị trí Kiểm soát mặt đất, dẫn đến tình trạng quá tải khối lượng công việc cũng như quá tải tần số liên lạc thoại tại một số khung giờ cao điểm, đặc biệt là khi tình hình hoạt động bay trở nên phức tạp, gây ảnh hưởng đến năng lực khai thác và an toàn điều hành bay.

Trước yêu cầu cấp thiết này, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu và triển khai áp dụng phương án phân chia khu vực trách nhiệm của vị trí Kiểm soát mặt đất Tân Sơn Nhất thành 2 phân khu điều hành bay riêng biệt trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng hài hòa khối lượng công việc giữa các phân khu nhằm giảm tải khối lượng công việc cho KSVKL trực tiếp điều hành; giảm tình trạng nghẽn sóng liên lạc và đảm bảo an toàn điều hành bay trong khu bay; tăng cường khả năng quan sát các hoạt động bay và các phương tiện di chuyển trong khu vực trách nhiệm; nâng cao năng lực thông qua của khu vực hoạt động tại sân và năng lực phối hợp, hiệp đồng giữa vị trí Kiểm soát mặt đất với các vị trí, cơ sở điều hành bay khác có liên quan.

Tân Sơn Nhất là sân bay đầu tiên của Việt Nam được áp dụng giải pháp phân chia khu vực trách nhiệm của vị trí kiểm soát mặt đất. Việc triển khai thành công tại đây sẽ là tiền đề, kinh nghiệm cho việc nghiên cứu áp dụng mô hình tương tự tại các sân bay khác khi yêu cầu hoạt động bay đạt đến mức cần thiết có biện pháp hỗ trợ giảm tải khối lượng công việc cho KSVKL.

Trước đó, thống kê của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho thấy, tỷ lệ đúng giờ của các chuyến bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong nửa đầu năm 2019 chỉ đạt quanh mức 60-65%.

SAGS cho hay lý do các chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất trễ chuyến chủ yếu do kiểm soát không lưu (ATC), thời gian lăn bánh ra vào đường cất hạ cánh (taxi) trung bình từ 20-45 phút.

Các chuyến bay vào sáng sớm, tàu bay trong các khu vực đậu qua đêm không kéo ra được do các chuyến bay trước đó chưa taxi nên không còn bãi trống để kéo ra, hoặc trong khi kéo phải dừng chờ do kẹt kiểm soát không lưu…

Các lý do này dẫn đến việc trễ chuyến, kể cả các chuyến đến sớm từ Đà Nẵng, Hà Nội do kẹt ATC kéo theo các chuyến bay trễ trong ngày tạo thành hiệu ứng dây chuyền.

D.Ngọc

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.