Từ 2018: thay xăng A92 bằng xăng E5
Xăng E5 bán tại một cây xăng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng - người phát ngôn của Bộ Công thương - cho biết tới đây Chính phủ sẽ có chỉ đạo chính thức về lộ trình này. Tuy nhiên để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình, bộ đã họp bàn và chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) triển khai từ bây giờ.
Bộ muốn, nhưng doanh nghiệp kêu khó
“Bộ đã triển khai hai DN mà Nhà nước nắm giữ nhiều vốn nhất, gồm PV Oil và Petrolimex để kịp tiến độ đặt ra” - ông Vượng nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Công thương đã đưa phương án triển khai thí điểm thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5 tại TP.HCM và Hà Nội từ ngày 1-7-2017 trước khi mở rộng ra cả nước, thay thế hoàn toàn xăng A92 vào đầu năm 2018.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, sau khi tính toán và trao đổi với DN, Bộ Công thương đã “chốt” phương án triển khai đồng loạt trong cả nước từ ngày 1-1-2018.
Theo Bộ Công thương, giá xăng E5 hiện ở mức thấp hơn xăng A92, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 cũng thấp hơn so với xăng A92. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời.
Về lâu dài, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét xây dựng thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý cho mặt hàng xăng E5 và tạo chênh lệch giá xăng E5 thấp hơn xăng khoáng RON 92 đủ lớn.
Đặc biệt, nguồn nguyên liệu sản xuất ethanol cần có năng suất, sản lượng cao, giá bán hợp lý, tạo điều kiện cho giá xăng E5 được giảm thấp hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thừa nhận việc thực hiện phương án thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM từ ngày 1-7 chắc chắn không thể thực hiện được, bởi trạm phối trộn của Petrolimex tại Hà Nội hiện chỉ có khả năng đáp ứng công suất 30%.
“Để triển khai đồng loạt, thay thế hoàn toàn xăng A92 cần phải có thời gian để các DN nhập trang thiết bị, xây dựng để nâng cấp trạm trộn” - vị này nói. Một số DN xăng dầu cũng cho biết dù ủng hộ chủ trương thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5, nhưng phải có lộ trình cụ thể.
Theo một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, đầu tư một trạm phối trộn có chi phí khoảng 20 tỉ đồng và mất khoảng 9 tháng mới hoàn thiện. Trong khi để đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng xăng E5 trên cả nước theo lộ trình phải có khoảng 26 trạm phối trộn, tương đương số tiền đầu tư 500 - 600 tỉ đồng.
Do đó, theo vị này, việc thay thế xăng A92 bằng xăng E5 phải được thực hiện đồng bộ với các giải pháp xử lý nghiêm những đơn vị không tuân thủ.
“Nếu chính sách triển khai không quyết liệt, DN sẽ rất khó bỏ ra cả trăm tỉ đồng đầu tư trạm trộn” - vị này nói.
Một lãnh đạo Petrolimex cũng cho biết Chính phủ đang yêu cầu DN kinh doanh xăng dầu phải triển khai bán xăng đạt tiêu chuẩn khí thải mức 3 và mức 4 (Euro 3 và Euro 4). Trong khi một trạm phân phối và bán lẻ xăng dầu DN chỉ có thể bán được 4 mặt hàng, nên cần phải dứt khoát thực hiện đúng lộ trình, bỏ xăng A92 để đưa xăng E5 vào tiêu thụ.
“Chúng tôi đăng ký thực hiện từ ngày 1-1-2018, nhưng cần phải có kết luận để thực hiện ngay trong quý I này. Bởi DN cần thời gian nhập trang thiết bị, lắp đặt trạm phối trộn...” - vị này đề nghị.
Lo thiếu ethanol
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, xăng E5 hiện được phối trộn và pha chế chủ yếu từ các trạm đặt tại phía Nam.
Dù có tới 29 đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu nhưng chỉ có 3 DN có trạm trộn là PV Oil, Petrolimex và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro). Trong đó PV Oil có 10 trạm pha chế xăng E5 đặt tại 7 địa phương, Petrolimex có 5 trạm pha chế (5 địa phương) và Saigon Petro có 2 trạm pha chế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện PV Oil bày tỏ băn khoăn về nguồn cung ứng nguyên liệu ethanol để sản xuất ra xăng E5, do hiện chỉ có Công ty TNHH Tùng Lâm là đơn vị duy nhất cung cấp nguyên liệu ethanol với tổng công suất 150.000 tấn/năm.
Lượng ethanol cung ứng chỉ đủ để phối trộn trên 3 triệu tấn xăng sinh học E5/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ xăng tại thị trường là trên 7,5 triệu tấn.
Một số nhà máy sản xuất ethanol tại Bình Phước, Dung Quất (Quảng Ngãi) và Phú Thọ (với tổng công suất khoảng 500 triệu lít ethanol/năm) đang tạm dừng hoạt động hoặc xây dựng bị chậm tiến độ, nên chưa có thêm nguồn cung ethanol để DN sản xuất và phối trộn xăng E5.
Theo Bộ Công thương, nếu các nhà máy này đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế, thậm chí chỉ đạt 75% công suất, sản lượng ethanol dư thừa để phối trộn cả xăng E5 và E10 cung ứng cho cả nước.
Thông tin mới nhất từ cuộc họp giải quyết tồn đọng tại các dự án, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu đưa Nhà máy sản xuất ethanol Quảng Ngãi hoạt động trở lại.
Một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết nhà máy sản xuất ethanol tại Bình Phước cũng sẽ trở lại sản xuất để cung ứng nhiên liệu phối trộn xăng E5. Riêng nhà máy ethanol tại Phú Thọ chưa hoạt động vì còn để tiếp tục khắc phục.
Theo các DN, trong trường hợp nguồn nguyên liệu ethanol trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu pha chế cho xăng E5, cần có chính sách cho DN nhập khẩu từ nước ngoài. Việc nhập khẩu vừa có mức giá rẻ hơn và ổn định nguồn cung ứng ethanol, đảm bảo sản xuất, phối trộn xăng E5 ra thị trường.
Ngoài việc đảm bảo nguồn nguyên liệu pha chế xăng E5, các DN cho rằng để thực hiện được lộ trình do Bộ Công thương đưa ra, Chính phủ cần ban hành chính thức lộ trình thực hiện để DN chuẩn bị về xây dựng hạ tầng, nguồn cung ứng nguyên liệu...
“Chúng tôi đã đầu tư các thiết bị, chuẩn bị lộ trình thay thế xăng A92 từ trước. Tuy nhiên nếu chuyển đổi 100% như đề án, chúng tôi sẽ phải đầu tư thêm để hoàn thiện toàn hệ thống” - đại diện PV Oil cho biết.
Xăng E5 phải thấp hơn xăng A92 500 - 1.000 đồng/lít Các DN cho rằng giá xăng E5 phải rẻ hơn 500 - 1.000 đồng/lít so với xăng A92 mới khuyến khích người dân sử dụng. Đặc biệt, khi triển khai thay thế đồng loạt trên cả nước, nguyên liệu chính sản xuất ethanol là sắn sẽ được trồng nhiều hơn, năng suất cao hơn và như vậy góp phần giảm giá thành sản xuất xăng E5. Được biết, xăng E5 là xăng được phối trộn theo tỉ lệ 95% xăng khoáng thông thường (xăng A92) với 5% nhiên liệu sinh học là ethanol (cồn E100). |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/