Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia có phù hợp với thị trường rộng lớn?
|
Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung quốc gia do Bộ Y tế ban hành và tổ chức đàm phán giá thuốc thuộc danh mục thuốc đàm phán theo quy định của pháp luật. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Đây cũng là đơn vị sự nghiệp thứ 83 trực thuộc Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, trước đây nhà nước trao quyền cho các cơ sở khám chữa bệnh trực tiếp đấu thầu mua sắm thuốc. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều hạn chế như có nhiều đầu thuốc, hoạt chất, hàm lượng chia theo nhiều nhóm kỹ thuật, nước sản xuất khiến giá cả chênh lệch rất nhiều giữa các vùng miền, bệnh viện. Cách đấu thầu này cũng khiến việc dự trữ thuốc gặp khó khăn. Ngoài ra, do có nhiều nhà thầu tham gia nên việc đánh giá hồ sơ thường kéo dài, tốn thời gian...
Bộ Y tế khẳng định, Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia ra đời sẽ giúp thay đổi cách thức đấu thầu tập trung thuốc hiện nay. Từ nay, việc đấu thầu sẽ diễn ra ở ba cấp: cấp quốc gia, cấp địa phương và các đơn vị sự nghiệp. Trung tâm sẽ thực hiện đấu thầu để có giá tham chiếu tối đa và tối thiểu, góp phần quản lý giá thuốc tốt, tránh sự chênh lệch giữa các vùng miền và giúp giảm giá thuốc. Trung tâm sẽ tham gia đàm phán giá thuốc tập trung vào các thuốc có giá cao, thuốc biệt dược (phải nhập khẩu), thuốc có giá cao phải sử dụng nhiều…
Nhận định về hoạt động của Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia, theo một chuyên gia y tế, kinh nghiệm từ việc đấu thầu thuốc tập trung tại TPHCM năm 2013 cho thấy đã xảy ra những tiêu cực, làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân, điển hình là việc đưa thuốc không nguồn gốc vào để trúng thầu vì giá rẻ. Sau đó, năm 2016, Sở Y tế đã trả lại việc đấu thầu thuốc về cho các bệnh viện, dựa trên kế hoạch dự trù để mỗi bệnh viện tự chủ đấu thầu. Trung tâm mua sắm công của sở chỉ còn mua tập trung một số lượng rất ít các loại thuốc phổ biến giá trị thấp.
Tại cuộc họp báo quí 4-2016 về công tác đấu thầu thuốc, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (lúc đó là Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM), nhận định việc đấu thầu thuốc tập trung giúp tiết kiệm được chi phí nhưng không phù hợp với thị trường rộng lớn có nhiều doanh nghiệp dược và nhiều bệnh viện như TPHCM.
Một giám đốc bệnh viện tại TPHCM cũng cho rằng, với đấu thầu tập trung, kết quả sẽ chỉ có một vài đơn vị trúng thầu, như vậy nguy cơ đứt hàng, thiếu thuốc có thể sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp trúng thầu xảy ra sự cố trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, đấu thầu riêng lẻ sẽ giúp bệnh viện và bác sĩ có nhiều sự lựa chọn thuốc hơn trong điều trị bệnh.
Cũng từ kinh nghiệm đấu thầu thuốc năm 2013 ở TPHCM cho thấy, nếu hội đồng thẩm định, phê duyệt đấu thầu không thật sự công tâm và có trách nhiệm, chỉ cần để lọt một loại thuốc trúng thầu kém chất lượng thì hậu quả là các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước lãnh thiệt hại vô cùng lớn.